Châu lục lớn thứ ba thế giới bắt đầu tách đôi, có khả năng xuất hiện đại dương thứ sáu
Quá trình này gợi nhớ đến các chuyển động địa chất lịch sử của Trái Đất.
Hoạt động kiến tạo tại châu Phi được cho là đang chia tách lục địa này và có thể tạo ra một đại dương mới trong khoảng 50 triệu năm nữa. Hệ thống đứt gãy Đông Phi - nơi vết nứt này hình thành trải dài hơn 3.500km từ Biển Đỏ ở phía Bắc đến Mozambique ở phía Đông Nam.
Quá trình này gợi nhớ đến các chuyển động địa chất lịch sử của Trái Đất, bao gồm sự phân tách của siêu lục địa  cổ đại Pangea cách đây khoảng 230 triệu năm. Bằng chứng về các dịch chuyển lục địa khổng lồ này được tìm thấy trong các hóa thạch, chẳng hạn như của loài Cynognathus – một sinh vật tiền sử có hóa thạch chỉ được tìm thấy ở châu Phi và Nam Mỹ, cho thấy hai khu vực này từng kết nối với nhau.
Theo National Geographic, Hệ thống đứt gãy Đông Phi (EARS) là minh chứng cho hoạt động kiến tạo này, trải dài qua nhiều quốc gia ở châu Phi, bao gồm Kenya, Ethiopia và Tanzania. Trong 25 triệu năm qua, một vết nứt lớn đã hình thành tại đây, dần dần chia tách mảng kiến tạo châu Phi thành hai phần: mảng Nubian và mảng Somali. Theo thời gian, vết nứt này sẽ mở rộng, tạo điều kiện cho nước biển lấp đầy khoảng trống, tạo nên một đại dương  mới.
“Thung lũng này có lịch sử hoạt động kiến tạo và núi lửa”, nhà địa chất học David Adede chia sẻ với tờ Daily Nation. “Mặc dù đứt gãy này đã không hoạt động mạnh trong thời gian gần đây, có thể có những chuyển động sâu bên trong lớp vỏ Trái Đất, tạo ra các vùng yếu kéo dài đến bề mặt”.
Dựa trên các bằng chứng hiện có, lời giải thích hợp lý và đơn giản nhất là vết nứt này thực chất được hình thành do xói mòn đất bên dưới bề mặt sau những trận mưa lớn gần đây tại Kenya. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về lý do tại sao vết nứt lại hình thành ở vị trí này và liệu sự xuất hiện của nó có liên quan đến Hệ thống đứt gãy Đông Phi đang diễn ra hay không. Ví dụ, vết nứt có thể là kết quả của việc xói mòn các lớp đất mềm đã lấp đầy một đứt gãy cũ liên quan đến hệ thống đứt gãy trước đây.
Nếu bạn ngạc nhiên khi biết rằng các lục địa trên Trái Đất từng kết nối và sau đó tách ra qua hàng triệu năm, thì sẽ càng bất ngờ hơn khi khám phá ra rằng quá trình này đã diễn ra ít nhất ba lần trong suốt lịch sử lâu dài của hành tinh, dù quá trình này rất chậm.