Chi 11.000 tỷ phá hủy 4 con đập thủy điện trên cùng một dòng sông, cứu lấy ‘nữ hoàng của các loài cá’
Việc quyết tâm phá hủy 4 con đập trên cùng một dòng sông với mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã đem đến nhiều lợi ích bất ngờ.
Đập thủy điện  thường được xem là một trong những kỳ quan  kỹ thuật ấn tượng trên toàn cầu. Mặc dù thủy điện thường được đánh giá cao về mặt sạch sẽ, nhưng các công trình đập vẫn không hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Ở Mỹ, có hơn 90.000 đập thủy điện được xây dựng để kiểm soát lũ lụt và cung cấp nguồn nước cho cộng đồng cư dân. Trong số này, có 4 con đập trải dài trên sông Klamath, một con sông quan trọng từng là quê hương của loài cá hồi, chảy qua ranh giới giữa bang Oregon và California.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những con đập này mang đến một loạt vấn đề, đặc biệt là ảnh hưởng đến cá và chất lượng nước. Sau hơn một thập kỷ tranh cãi xoay quanh vấn đề tài chính, sinh thái và đặc biệt là cá hồi, các nhà quản lý đã đưa ra một quyết định mạnh mẽ. Họ đề xuất thực hiện một dự án lớn để phá hủy cả 4 con đập trên sông Klamath.
David Coffman, giám đốc điều hành của công ty Resource Environmental Solutions, nhấn mạnh: "Đây sẽ là dự án phục hồi sông và phá hủy đập lớn nhất từng được thực hiện".
Thực tế, sông Klamath nổi tiếng với phong cảnh tuyệt vời và đa dạng sinh quyển hoang dã. Với chiều dài hơn 400km, con sông này chảy qua các khu vực của bang Oregon và bang California, chảy vào lưu vực có diện tích lên đến 31.000km2. Đặc biệt, Klamath trước đây là nơi sinh sống của quần thể cá hồi lớn thứ ba ở Bờ Tây nước Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tài nguyên cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, cảnh quan tại dòng sông  này đã thay đổi kể từ khi các đập thủy điện được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong giai đoạn khoảng từ năm 1895-1915, sự đột phá trong thiết kế thủy điện đã dẫn đến việc xây dựng nhiều đập và nhà máy điện mới, bao gồm cả các công trình trên sông Klamath.
Tại sao Mỹ lại quyết định dỡ bỏ 4 con đập trên cùng một dòng sông?
Hiện nay, các đập thủy điện này có khả năng sản xuất đủ điện để phục vụ 70.000 gia đình ở mức tối đa, mặc dù thường không hoạt động ở công suất đầy đủ do mực nước thấp và các vấn đề khác. Tương tự như nhiều dự án hạ tầng lớn khác, việc xây dựng các đập thủy điện luôn đi kèm với sự đánh đổi.
Các đập thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ lũ lụt, tạo ra doanh thu thuế và không gian lý tưởng cho các hoạt động giải trí và thư giãn. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra rủi ro cho các loài cá không thể tiếp cận khu vực sinh sản ở thượng nguồn, dẫn đến giảm quần thể cá hồi  xuống dưới 10% so với mức ban đầu.
Tuy nhiên, tác động của các con đập không chỉ giới hạn ở đó. Trong những tháng ấm hơn, nước trong khu vực có đập thường trở nên giàu chất dinh dưỡng và dễ phát triển tảo lục lam độc hại. Hiện tượng này xảy ra khi nước giàu chất dinh dưỡng bị kẹt lại trong các hồ nước nông, khi tảo phát triển ở mức độ lớn, chúng có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Các nhóm bảo vệ môi trường và các cộng đồng bản địa đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Trong khi đó, một số chủ sở hữu lo ngại rằng việc loại bỏ các con đập có thể dẫn đến mất mát thuế và giảm giá trị tài sản của họ.
Cuối cùng, theo nhà cung cấp dịch vụ điện PacifiCorp, việc loại bỏ các con đập sẽ ít tốn kém hơn so với những giải pháp như xây cầu thang cho cá và năng lượng điện từ đập thủy điện có thể dễ dàng thay thế.
Vào năm 2022, Ủy ban Điều phối Năng lượng Liên bang Mỹ đã chính thức thông qua dự án loại bỏ 4 con đập lớn với tổng chi phí 450 triệu USD (gần 11.000 nghìn tỷ), bao gồm đập Copco 1 và 2, đập JC Boyle và đập Iron Gate.
Theo các chuyên gia, chưa có hệ thống đập nào với quy mô lớn như vậy từng được loại bỏ. Tất nhiên, dự án này cần được lập kế hoạch, thực hiện cẩn thận để tránh sai sót và đòi hỏi chi phí lớn trong thời gian dài. Tính cả chi phí vận hành, mỗi năm cần khoảng 20 triệu USD để duy trì các đập và giải quyết ảnh hưởng đến chất lượng nước trong tình trạng hiện tại.
Do đó, quyết định loại bỏ các đập được xem là một biện pháp tiết kiệm chi phí về lâu dài.
Dỡ bỏ các đập thủy điện như thế nào?
Theo các chuyên gia, có hai phương pháp để loại bỏ đập, bao gồm phương pháp tức thì và theo giai đoạn. Trong phương pháp tức thì, quá trình này diễn ra nhanh chóng, thường mất vài giờ hoặc vài ngày. Đầu tiên, chuyên gia sẽ hạ nước từ hồ chứa, bao gồm việc xả nước và cho nước tích tụ ở phía sau các con đập xuống hạ nguồn.
Hầu hết các con đập hiện nay được trang bị hệ thống thoát nước khẩn cấp để giảm mức nước nhanh chóng. Hệ thống này thường bao gồm ống dẫn thấp, kênh dẫn có thể mở ra để nước chảy qua hoặc một cổng van (thường là một cấu trúc gỗ hoặc thanh dầm) có thể được nâng lên để cho nước chảy qua.
Sau khi chuyên gia đã giảm nước xuống hạ nguồn, đập sẽ bị phá hủy bằng chất nổ. Quá trình này diễn ra nhanh chóng và sau đó đống đổ nát sẽ được dọn sạch. Công đoạn này có thể mất một khoảng thời gian lâu hơn một chút.
Phương pháp thứ hai là phá hủy đập theo giai đoạn, mất thời gian lâu hơn, thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Cách làm này thường được áp dụng cho các đập cao hơn, có lượng trầm tích tích tụ lớn hơn và có nguy cơ gây hại cho môi trường nếu xả nước quá nhanh.
Trong quá trình phá hủy theo giai đoạn, nước sông thường được bơm hoặc chuyển hướng qua các hầm hoặc kênh để kiểm soát quá trình rút nước từ hồ chứa và giải phóng trầm tích. Khi sông được chuyển hướng và khu vực trở nên khô cạn, đập thủy điện sẽ được phá hủy bằng máy xúc hoặc chất nổ, tùy thuộc vào vật liệu được sử dụng.
Phương pháp này kéo dài theo giai đoạn là cơ sở để loại bỏ các đập trên sông Klamath, với sự điều chỉnh nhỏ phù hợp với từng đập cụ thể. Kết quả cuối cùng của dự án này sẽ là việc khôi phục trạng thái tự do của dòng sông.
Vào năm 2023, Copco 2, đập nhỏ nhất trong bốn cấu trúc trên sông Klamath, là “nạn nhân” đầu tiên của quá trình phá hủy. Đặc biệt, Copco 2 không có hồ chứa thực sự, do đó không yêu cầu công đoạn rút nước. Tuy nhiên, các công đoạn này sẽ được thực hiện tại ba đập còn lại.
Vào đầu năm nay, công nhân sẽ mở các kênh dẫn thấp để từ từ xả nước và trầm tích từ các đập này, với tốc độ 1,5m mỗi ngày. Ba đập còn lại sẽ được xả nước đồng thời, tận dụng sức nước để đẩy nhanh chất lượng nước và trầm tích.
Dòng sông Klamath sau đó sẽ được chuyển hướng qua các hầm dẫn mới hoặc đã tồn tại từ thời kỳ xây dựng đập. Điều này giúp làm khô cạn nước và đảm bảo an toàn cho quá trình phá hủy đập.
Dự kiến đến cuối năm nay, bốn đập thủy điện cũ kỹ trải dài qua bang California-Oregon sẽ biến mất, 100.000m3 bê tông, 1,3 triệu m3 đất và 2.000 tấn thép sẽ bị dỡ bỏ khỏi dòng sông.
Sau khi bốn đập này được phá hủy, dòng chảy của sông Klamath sẽ được khôi phục, mang lại nhiều lợi ích cho sinh mệnh cá hồi, đa dạng động vật và cải thiện chất lượng nước trong khu vực.