Chỉ 5 năm nữa, đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ có thêm 6 quận/thành phố mới: Huyện ít dân nhất địa phương cũng góp mặt
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện này sẽ được đầu tư để "cất cánh" lên quận/thành phố, đô thị.
Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1569/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ của Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84km2.
Liên quan đến phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ thành lập 6 quận, trong đó, huyện Đan Phượng được dự kiến sẽ lên quận/thành phố, đô thị.
>> Từ bây giờ, 7 trường hợp này người dân sẽ không được cấp sổ đỏ
Cùng với đó, Quyết định 1569/QĐ-TTg cũng đã chỉ rõ hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị trung tâm và các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.
Đan Phượng được biết đến là một huyện nhỏ của TP. Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc, trung tâm Thủ đô.
Phía Đông huyện Đan Phượng tiếp giáp với quận Bắc Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Mê Linh, có dòng sông Hồng cắt ngang là ranh giới, phía Tây giáp với huyện Phúc Thọ và phía Nam giáp với huyện Hoài Đức.
Theo niên giám thống kê TP. Hà Nội, huyện Đan Phượng có dân số trung bình 189.000 người và được xem là huyện có quy mô dân số ít nhất trên địa bàn TP.
Tại Kỳ họp thứ 21 do HĐND huyện khóa 20 tổ chức ngày 17/12 cho biết, trong năm 2024, địa bàn đã hoàn thành 19/22 chỉ tiêu kế hoạch được đề ra, cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát.
Báo cáo của UBND huyện cũng chỉ rõ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trên địa bàn ước đạt: Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 2010) ước thực hiện 21.783 tỷ đồng, đạt 101,34% kế hoạch, tăng 13,75% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 86 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện gần 1.813 tỷ đồng, đạt 46,2% dự toán Thành phố và huyện giao (tăng 14,4% so với năm 2023).
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.