Chỉ mong Tết để được cười đùa bên những chiếc bánh chưng méo mó của bố
Dù có đi xa, Tết đến là mong được về nhà sum vầy.
Lúc nhỏ, tôi rất thích Tết, vì khi đó mấy chị em tôi sẽ được mẹ cho đi chợ chọn mua áo quần, giày dép mới, được thoải mái ăn bánh kẹo, được bố gói bánh chưng  cho ăn.
Bố tôi gói bánh không giống những nhà khác trong xóm. Bố chỉ gói bánh bằng tay, không bao giờ dùng khuôn. Cũng vì vậy mà chiếc bánh không được vuông thành sắc cạnh, đẹp mắt cho mắt. Về ngoại hình, tôi thấy rõ là chiếc bánh không đẹp nhưng ai cũng khen bố tôi giỏi và khéo tay lắm.
Mãi sau này tôi mới hiểu, ngoài việc mẹ tôi lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, thì cách gói bánh bằng tay, nấu đủ giờ, ép đủ thời gian của bố khiến cho chiếc bánh rất ngon.
Tôi hỏi bố sao không dùng khuôn để gói bánh cho khoẻ, bố nói rằng gói bánh chưng là niềm vui trong ngày Tết. Bố muốn tận hưởng trọn vẹn niềm vui ấy cùng cả nhà. Chỉ có tự tay chuẩn bị mọi thứ từ lá dong, nếp thơm, đậu đỗ, thịt lợn tươi, lạt buộc... và gói cẩn thận thì mới giữ được "cái hồn của Tết cổ truyền".
Bố có thể gói bằng khuôn rất nhanh nhưng buổi tối gói bánh sẽ nhanh kết thúc và không còn những tiếng cười vui trêu đùa vì những chiếc bánh "hình thù méo mó" của bố nữa.
Sau này, chị em chúng tôi lập gia đình, cái ngày bố gói bánh chưng trở thành ngày sum vầy của cả nhà. Chị hai tôi từ ngày ra trường đi làm đã chuyển vào Nam sinh sống. Sau này chị lập gia đình ở trong đó. Chị cách tôi tận 11 tuổi nên từ khi còn nhỏ hay đến bây giờ, tôi luôn mong ngóng ngày chị về sum họp vào mỗi dịp Tết.
Đến ngày ấy, dù có bận rộn với công việc, hay ở xa nhà thì chúng tôi đều trở về quanh nồi bánh chưng của bố.
Tôi nhớ, cách đây vài năm, đứa cháu gái đầu của tôi du học bên Mỹ đã khóc sưng cả mắt vì nhớ nhà, nhớ nồi bánh của ông ngoại.
Tôi nhận ra rằng bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống, nó đã thành sợi dây gắn bó của các thành viên trong gia đình tôi. Hóa ra, những thứ gắn kết tình cảm gia đình chính là những điều nhỏ bé như vậy.
Sau này, không khí ấm áp, hạnh phúc, sum vầy của những ngày bên nồi bánh chưng cùng gia đình luôn ở trong tâm trí tôi. Có lẽ cũng nhờ những điều bố nói tôi hiểu ra rằng những việc chúng ta làm vào Tết không quan trọng bằng cách chúng ta tạo ra không khí ngày Tết và tận hưởng ngày Tết.
Và có lẽ chính nhờ cảm giác hạnh phúc, ấm áp bố mang lại cho cả nhà mà tôi luôn cố gắng truyền lại cho con cái bây giờ và các cháu sau này.
Với cuộc sống bận rộn hiện đại, không gian sống hạn chế, nhiều gia đình không còn giữ được nồi bánh chưng ngày Tết. Nhưng tôi cảm thấy may mắn vì gia đình vẫn còn duy trì được phong tục cổ truyền này.
Giờ đây, gia đình tôi không còn gói và nấu hàng chục cái bánh như ngày xưa nữa, nhưng mỗi dịp Tết đến, chúng tôi vẫn nấu một nồi bánh nho nhỏ trước cửa nhà. Đấy là cách chúng tôi duy trì hạnh phúc về cái Tết đoàn viên cho các thế hệ.
>> Nhận biết bánh chưng "luộc bằng pin" để tránh mang bệnh vào người
Các hãng hàng không chạy đua bổ sung máy bay dịp Tết Giáp Thìn 
Hà Nội phân luồng các trục đường cửa ngõ dịp Tết Giáp Thìn