Chi tiết lộ trình 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành
Đối với 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đặt ra là hoàn thành theo ba mốc thời gian gắn liền với các sự kiện quan trọng: 30/4, 2/9 và 31/12/2025.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2024 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải, trong năm tới, Bộ đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng để hoàn thành các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 , cùng các dự án đường bộ cao tốc khác.
Mục tiêu này hướng đến việc đạt tổng chiều dài 3.000km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư nhằm khởi công một loạt dự án quan trọng như: nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP. HCM - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, cùng các tuyến mới như Chợ Mới - Bắc Kạn, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1… Các dự án này dự kiến khởi công ngay trong quý I và II/2025.
Đối với 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đặt ra là hoàn thành theo ba mốc thời gian gắn liền với các sự kiện quan trọng: 30/4, 2/9 và 31/12/2025.
Cụ thể, các dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2025 bao gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,28km) và Hàm Nghi - Vũng Áng (54,2km) do Ban Quản lý dự án Thăng Long phụ trách, cùng với Bùng - Vạn Ninh (49km) do Ban Quản lý dự án 6 thực hiện.
Tiếp đến, vào dịp 2/9/2025, các dự án như Vũng Áng - Bùng (55km) do Ban Quản lý dự án 6 đảm nhiệm, Vạn Ninh - Cam Lộ do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phụ trách, Hoài Nhơn - Quy Nhơn (70km) và Quy Nhơn - Chí Thạnh (61,7km) do Ban Quản lý dự án 85 đầu tư, cùng Chí Thạnh - Vân Phong (48km) do Ban Quản lý dự án 7 thực hiện cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành. C
Các dự án cuối cùng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2025, gồm Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (88km) do Ban Quản lý dự án 2 đảm nhiệm, cùng Cần Thơ - Hậu Giang (37,65km) và Hậu Giang - Cà Mau (37,65km) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phụ trách.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), ngoài các dự án có khả năng hoàn thành đúng hoặc vượt tiến độ, vẫn còn 8 dự án (281km) đang đối mặt nhiều khó khăn.
Trong số này, Bộ Giao thông vận tải phụ trách 3 dự án (123km) và các địa phương phụ trách 5 dự án (158km).
Các thách thức chính bao gồm giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, và tổ chức thi công chưa đủ “3 ca, 4 kíp” để đáp ứng tiến độ.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm và dự án Vành đai 3 TP. HCM, tình trạng thiếu vật liệu cát đắp (khoảng 65,3 triệu m3) đang trở thành điểm nghẽn lớn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Dù các địa phương đã huy động tối đa các mỏ cát để cung ứng, nhưng thủ tục cấp phép chậm trễ và công suất khai thác hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Công suất trung bình theo đánh giá tác động môi trường hiện đạt 76.131m3/ngày, trong khi các mỏ đang hoàn thiện thủ tục có thể bổ sung thêm 68.894m3/ngày.
Tuy nhiên, ngay cả khi toàn bộ thủ tục hoàn thành trong tháng 12/2024, tổng công suất khai thác dự kiến vẫn chỉ đạt 145.025m3/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế là 239.046m3/ngày, gây thiếu hụt đến 94.021m3/ngày.