Chiếm 80% doanh thu xuất khẩu, Vinamilk (VNM) 'hái ra tiền' từ thị trường 10.000 tỷ USD
Trong năm 2024, một số thị trường Halal của Vinamilk (VNM) đã ghi nhận mức tăng trưởng trên 70% về giá trị.
“Soi” thị trường tiềm năng 10.000 tỷ USD
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo có quy mô rất lớn, phục vụ gần 2 tỷ người trên toàn thế giới. Dự kiến, nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt giá trị 10.000 tỷ USD trước năm 2028, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.
Sản phẩm Halal không chỉ được tiêu thụ trong các quốc gia Hồi giáo mà còn phổ biến ở các nước phi Hồi giáo. Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là những khu vực tiềm năng với vị trí địa lý gần Việt Nam. Số dân theo đạo Hồi ở đây đạt khoảng 860 triệu người, tương đương 66% tổng số người Hồi giáo toàn cầu. Khu vực này tiêu thụ thực phẩm Halal trị giá 470 tỷ USD mỗi năm, trong đó Đông Nam Á chiếm 230 tỷ USD và Nam Á - Nam Thái Bình Dương chiếm 238 tỷ USD.
Nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt giá trị 10.000 tỷ USD trước năm 2028 (Ảnh minh họa) |
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM nhận định: "Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới và nằm gần các thị trường Halal trọng điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bước đầu khai phá thị trường này với khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal mỗi năm. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm”. Bà Chi tin rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam có thể vươn xa hơn trên thị trường Halal.
Đồng tình với nhận định trên, đại diện CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - HoSE: VNM ) cho biết, thị trường Halal hiện chiếm khoảng 80% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp. Một số thị trường Halal thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng trên 70% về giá trị và tỷ lệ trong năm 2024. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Vinamilk bao gồm sữa bột công thức, sữa bột đặc trị, bột dinh dưỡng và sữa đặc. Ngoài ra, Vinamilk còn đang mở rộng các dòng sản phẩm như Non-dairy và sữa chua uống men sống (Probiotic drink).
Bí quyết phát triển của Vinamilk trong thị trường Halal
Tiêu chuẩn Halal - tấm vé khởi hành cho doanh nghiệp
Vinamilk nhận định rằng, chứng nhận Halal là điều kiện tiên quyết để tham gia vào thị trường này. Các sản phẩm của Vinamilk hiện có nguồn gốc thuần Halal, được đánh giá cao về chất lượng và độ nhận diện thương hiệu tại các thị trường mục tiêu. Công ty đang triển khai nhiều chiến lược như cải tiến bao bì, điều chỉnh hương vị, xúc tiến giao thương và quảng bá để tiếp cận sâu hơn vào thị trường Halal.
Tuy nhiên, đại diện Vinamilk nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn Halal ngày càng khắt khe. Chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn và không đồng nhất giữa các quốc gia. Do đó, doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần, gây khó khăn nhưng cũng là điều kiện bắt buộc để tham gia thị trường này.
Hiện tại, Vinamilk đã đạt hơn 10 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như ISO, FSSC, BRC, Organic và Halal. Những chứng nhận này giúp công ty chinh phục hơn 62 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu khác nhau.
Linh hoạt trong chiến lược phát triển
Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Vinamilk, cho biết: "Thị trường Halal không chỉ thu hút cộng đồng Hồi giáo mà còn được ưa chuộng tại các nước phát triển như Mỹ, Nga và EU nhờ tính an toàn, chất lượng và bền vững”. Việc Việt Nam mở rộng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CEPA với UAE đang tạo thêm cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal.
Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng 5-10% ở các thị trường truyền thống và mở rộng sang những thị trường lớn như Malaysia, Indonesia. Việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp và tìm hiểu kỹ các yêu cầu chứng nhận của từng thị trường là ưu tiên hàng đầu của công ty. Ông Hiếu nhấn mạnh rằng, không phải thị trường nào cũng yêu cầu chứng nhận Halal bởi bên thứ 3; doanh nghiệp có thể tự xác nhận hoặc áp dụng các quy định riêng tùy từng quốc gia.
Logo Halal gắn trên sản phẩm của Vinamilk (Ảnh: Tạp chí điện tử Kiểm sát) |
Tại Vinamilk, việc áp dụng tiêu chuẩn Halal đã được triển khai từ rất sớm, ngay cả khi Việt Nam chưa có cơ quan chứng nhận chính thức. Toàn bộ 387 sản phẩm xuất khẩu của Vinamilk hiện đều đạt chuẩn Halal, từ sữa bột, sữa đặc, bột dinh dưỡng đến sữa chua ăn và sữa chua uống.
"Chứng nhận Halal không chỉ là điều kiện để tiếp cận thị trường mà còn là cam kết của Vinamilk với người tiêu dùng. Điều này bao gồm từ việc lựa chọn nguyên liệu, hương vị, đến thiết kế bao bì và các chương trình hậu mãi phù hợp với đặc thù văn hóa từng khu vực", đại diện Vinamilk chia sẻ.
Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp bản địa
Cùng với chứng nhận, việc gắn kết chặt chẽ với đối tác là một trong những “bí quyết” chính giúp doanh nghiệp “bám rễ” tại một thị trường 10-20 năm. Thông qua các đối tác bản địa, nhà xuất khẩu này có thể cung cấp các sản phẩm sát với nhu cầu của người dùng, cũng như thiết kế bao bì, quảng cáo, hình ảnh thương hiệu… phù hợp với văn hóa, thị hiếu từng thị trường. Đối với các quốc gia Hồi giáo, điều này lại càng quan trọng.
Ngoài ra, việc tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, giao lưu kết nối… cũng được đại diện Vinamilk tiết lộ là kênh hiệu quả để mở rộng thị trường xuất khẩu, không riêng với sản phẩm Halal.
Vinamilk tại Hội chợ Gulfood 2016 (Ảnh: VNM) |
Trong năm 2024, doanh nghiệp đã tham gia gần 20 hội chợ, triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó nhiều hợp đồng triệu USD đã được ký kết. Đầu năm 2025, nhà xuất khẩu này tiếp tục có mặt tại hội chợ thực phẩm lớn nhất nhì thế giới - Gulfood tại Dubai – nơi được ví như cánh cổng dẫn đến các thị trường Halal như Trung Đông, châu Phi và Tây Nam Á.
>> Động thái mới của Vinamilk (VNM) tại thị trường có GDP tăng nhanh nhất Đông Nam Á