Chiêm bái tượng Quán Thế Âm cao 3,2m, nặng 5 tấn ở ngôi chùa hơn trăm tuổi cuối cùng bồ tát Thích Quảng Đức trụ trì
Ngôi chùa hơn 100 năm tuổi được biết đến là nơi ghi dấu ấn của bồ tát Thích Quảng Đức với trái tim bất diệt.
Tổ đình Quán Thế Âm (hay còn gọi chùa  Quán Thế Âm) tọa lạc ở số 90 đường Thích Quảng Đức (P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chùa được đông đảo Phật tử biết đến vì từng là nơi lưu dấu cuối cùng của hòa thượng Thích Quảng Đức trước khi ngài vị pháp thiêu thân 60 năm trước.
Theo tư liệu, chùa do một số sĩ quan, binh lính Pháp, Việt kiến tạo vào năm 1920, do sự linh ứng của Bồ tát  Quán Thế Âm, đã cứu nạn số sĩ quan, binh lính này trên biển khi thuyền bị máy bay Đức bắn thủng. Thượng sĩ Dương Phong Quang cùng mọi người đều nhất tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Lúc bấy giờ, chùa được gọi là chùa Mạch Lô hay Bạch Lô vì đức Quán Thế Âm và lính thủy đều đội mũ trắng. Mặt tiền hướng Tây Nam.
Năm 1959, Hòa thượng Thích Quảng Đức được ông bà Lý Văn Lang thỉnh đến trụ trì chùa. Ngài đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa vào những năm 1960-1961. Hòa thượng tên Nguyễn Văn Khiết, quê ở Hội Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, thọ Sa di năm 15 tuổi, thọ Tỳ khưu và Bồ tát giới năm 20 tuổi. Trên bước đường hành đạo, Hòa thượng đã kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa ở miền Trung và 17 ngôi chùa ở miền Nam. Hai ngôi chùa thứ 29 và 30 là chùa Thiên Phước và chùa Long Phước. Chùa Quán Thế Âm là ngôi chùa thứ 31, di tích cuối cùng của ngài. Ngày 27/5/1963, Ngài đã gửi đơn xin thiêu thân lên Giáo hội và ngày 11/6/1963 (20/4 nhuần năm Quý Mão), Ngài đã vị pháp thiêu thân tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là đường Cách mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu, trước Ủy ban Nhân dân Quận 3).
Năm 1966, ông bà Lý Văn Lang chính thức làm giấy hiến cúng ngôi chùa qua thầy Thích Thông Bửu. Thầy Thích Thông Bửu đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa trên diện tích đất khoảng 1000m2 bằng vật liệu kiên cố . Nhà tăng 3 tầng xây dựng năm 1966; giảng đường xây dựng năm 1969; Phòng lưu niệm cố Hòa thượng xây dựng năm 1971; ngọn giả sơn An Lạc Sơn cao hơn 20m xây dựng năm 1972 hơn 3000 bao xi măng. Thượng tọa đang tiếp tục cho tôn tạo, mở rộng ngôi chùa từ năm 1993 đến nay.
Năm 1993, chùa khánh thành bảo tháp Lửa Từ Bi thờ Bồ tát Quảng Đức. Tượng bồ tát Quảng Đức bằng đồng cao 1,82m, nặng 1 tấn, do điêu khắc gia Thụy Lam tạo mẫu, nghệ nhân Nguyễn Văn Kim đúc đồng năm 1999, an vị tại bảo tháp. Năm 1994, chùa an vị bảo tượng bồ tát Quan Thế Âm thập nhất diện tại động An Lạc Sơn. Tượng bồ tát bằng đá hồng hoa cương, cao 3,2m, nặng 5 tấn, do điêu khắc gia Lý Dũng cùng tốp thợ điêu khắc thực hiện tròn một năm.
Ngôi bảo tháp chính điện bát giác 7 tầng, cao 28m. Trên nóc tháp là bàn tay Pháp Ấn cao 2m. Mái tháp được lợp ngói hình mặt trăng vẩy rồng. Nóc tháp nở 40 cánh hoa ưu đàm. Tượng đức Phật  Thích Ca tại chánh điện được đúc bằng đồng thành tựu giữa giờ phút đêm giao thừa kỷ nguyên (1999 – -2000) do điêu khắc gia Thụy Lam tạo mẫu, nghệ nhân Nguyễn Văn Kim thực hiện tại Gò Vấp. Tượng cao 2,80m nặng 4 tấn, tòa sen bằng đồng cao 0,7m, nặng 1,1 tấn. Tượng ngồi tựa lưng vào núi, tượng trưng núi Linh Sơn. Gương mặt đức Phật thể hiện nét người Việt Nam, tay kiết ấn theo kiểu Xuất Địa ấn.
Đặc biệt, chùa có bức ảnh Bồ tát Quảng Đức tự thiêu cao 2m, rộng 1m, do họa sĩ Trọng Nội vẽ năm 1963 giữa mùa pháp nạn, tôn trí tại phòng Khánh tiết. Ngoài ra, ở tầng trệt của chùa có đặt bức tượng hòa thượng Thích Quảng Đức cùng trái tim bất diệt của ngài.
Với những đóng góp cho dân tộc, cũng như những ấn tích một thời lịch sử của ngôi chùa đã được ghi nhận, ngày 25/6/2015, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 3086, công nhận tổ đình Quán Thế Âm là di tích lịch sử cấp thành phố.