Chiêm ngưỡng cây cầu vượt ‘phức tạp nhất thế giới’: 20 làn xe có tổng chiều dài hơn 16km đan xen rắc rối như ‘mê cung’
Sự phức tạp của cây cầu vượt này thách thức cả những tay lái giàu kinh nghiệm.
Khi những hình ảnh đầu tiên về cầu vượt  Huangjuewan xuất hiện trên Internet, chúng khiến nhiều người kinh ngạc lẫn lo lắng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc những người lái xe thiếu kinh nghiệm sẽ phải đối mặt với những thách thức gì nếu họ bị lạc vào “mê cung” của những con dốc và con đường đan xen trên cầu vượt này.
Hoàn thành vào năm 2017 sau 5 năm kế hoạch và 7 năm xây dựng, cầu vượt Huangjuewan được coi là một kỳ quan kiến trúc. Nhà thiết kế chính của dự án, ông Liu Bangjun, người quản lý dự án, khẳng định rằng di chuyển trên cầu vượt này không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ.
Liu Bangjun cho biết việc thiết kế 20 làn xe trên cầu vượt là không thể thiếu để các phương tiện lưu thông thuận tiện. Cầu vượt được chia thành 5 tầng, liên kết với 3 đường cao tốc chính cũng như các tuyến đường khác trong khu vực.
Được biết, nút giao thông này được xây dựa trên địa hình phức tạp của thành phố. Khu vực này đóng vai trò quan trọng như một nút giao thông chủ chốt, kết nối sân bay, cao tốc  và trung tâm thành phố.
Với mục tiêu này, các kỹ sư đã đưa vào tính toán một hệ thống đường 5 tầng, trong đó tầng cao nhất tương đương với độ cao của một tòa nhà 12 tầng. Ngoài ra, công trình còn bao gồm 15 dốc đường và 20 làn xe đan xen theo 8 hướng khác nhau. Tổng chiều dài của con đường tại nút giao thông này được ước tính là hơn 16,4km.
Đồng thời, nhóm thiết kế cũng đã tính đến khả năng tài xế đi nhầm làn, do đó, họ đã bổ sung thêm các dốc đường phụ để giúp việc quay đầu xe trở nên nhanh chóng hơn.
Ông Liu Bangjun nói với tờ People’s Daily rằng 20 đường dẫn của Huangjuewan là yếu tố quan trọng để giúp di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Nguyên nhân là vì cầu vượt này không chỉ kết nối ba đường cao tốc trong khu vực mà còn nối liền các con đường khác. Các nhà thiết kế đã tính toán cả những trường hợp tài xế đi lạc và thêm các đường dẫn để họ có thể "sửa sai" nhanh chóng.
Theo ông Liu, nếu tài xế chọn sai đường dẫn, họ có thể tìm được lối ra trong vòng 10 phút. Ông khẳng định rằng biển báo trên đường rất dễ nhìn thấy, do đó, dù có 8 hướng khác nhau mà đường dẫn của cầu vượt điều khiển, tài xế cũng không cần phải lo lắng khi đi lên cầu.
Mặc dù những người thiết kế khẳng định rằng Huangjuewan là một công trình đơn giản, thực tế cho thấy nó ngày càng trở thành cây cầu vượt phức tạp nhất thế giới. "Nếu bạn lạc vào một con dốc nào đó, bạn sẽ phải đi một vòng lớn xung quanh thành phố mới có thể trở lại cầu vượt này", một tài xế nói về cầu vượt Huangjuewan.
Cây cầu này trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi nhiếp ảnh gia Fred Dufour ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của công trình từ nhiều góc nhìn. Kể từ đó, nơi này thậm chí thu hút cả các blogger du lịch  tới trải nghiệm và khám phá.
Huangjuewan không phải là cây cầu vượt 'phức tạp' duy nhất tại Trung Quốc. Hệ thống giao lộ Qianchun của đất nước tỷ dân này cũng rất nổi tiếng, được coi là một kiệt tác kiến trúc với 18 đường dẫn và đoạn đường dẫn cao nhất nằm cách mặt đất 37m.