Thế giới

Chiến lược chống nóng hiệu quả của các đô thị trên thế giới

Khánh Huyền 11/10/2024 - 08:28

Các thành phố đang chuyển mình để thích nghi với biến đổi khí hậu bằng cách đầu tư vào các giải pháp xanh.

Với nhiệt độ có thể lên tới 40°C vào buổi trưa, TP Seville của Tây Ban Nha đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt. Cái nóng khắc nghiệt khiến người dân phải chọn cách ‘trú ngụ’ trong nhà cho đến tối muộn. Tình trạng này không chỉ khiến người dân lo ngại về chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến sự phát triển du lịch của TP.

Theo C40 Cities, tổ chức quốc tế về chống biến đổi khí hậu, số lượng TP phải đối mặt với nắng nóng cực đoan sẽ tăng gấp ba lần trong 15 năm tới. Đến năm 2050, hơn 970 TP sẽ có nhiệt độ trung bình mùa Hè 35 độ C trở lên. Để ứng phó với tình trạng này, các đô thị đã và đang nỗ lực tìm cách giảm nhiệt để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Hệ thống kênh ngầm biến Seville thành
Hệ thống kênh ngầm biến Seville thành "ốc đảo xanh" giữa lòng đô thị. Ảnh: Calcalistech

Seville: làm mát toàn diện

Để chống lại thời tiết nắng nóng cực đoan, Seville đã triển khai một loạt các biện pháp làm mát TP và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Chính quyền đã chỉ thị trồng thêm hàng nghìn cây xanh mỗi năm, mở rộng đường phố và sử dụng các vật liệu xây dựng chịu nhiệt trong các tòa nhà. Ngoài ra, TP này cũng đã lắp đặt các đài phun nước và chuyển đổi 264 tòa nhà thành tòa nhà thông minh, bền vững.

Antonio Muñoz, cựu thị trưởng TP, khẳng định: “Đây là những biện pháp thiết thực và cần thiết để cải thiện nhiệt độ TP và đảm bảo người dân có thể ra ngoài mua sắm, vui chơi”.

Ngoài ra, Seville đang thử nghiệm một hệ thống làm mát đất gọi là ‘qanat’, lấy ý tưởng từ Trung Đông và Trung Quốc. Hệ thống này dùng để làm mát nước vào ban đêm và đưa không khí mát lên mặt đất vào ban ngày. Dự án trị giá hơn 5 triệu USD này do các nhà khoa học José Sánchez Ramos và Servando Alvarez dẫn đầu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động cuối năm nay và hứa hẹn sẽ giảm khoảng 10 độ C trong một khu vực nhỏ với năng lượng tiêu tốn thấp.

Medellin: xanh hóa đô thị

Trong khi nhiều TP tìm kiếm các giải pháp công nghệ phức tạp, Medellin chọn cách đầu tư vào việc trồng cây xanh để làm mát và cải thiện chất lượng không khí.

Nhiều nhà quy hoạch đô thị và chuyên gia khí hậu cho rằng, quy hoạch thông minh, che nắng đầy đủ và trồng nhiều cây xanh là những giải pháp hiệu quả nhất để giảm nhiệt đô thị. Theo một nghiên cứu vào năm 2023, nếu châu Âu trồng thêm 30% cây năm 2015, thì đã có thể giảm 40% số người chết vì nắng nóng.

Medellin, Colombia, là một minh chứng sống cho kết luận này. TP này đã chuyển mình xanh hơn, sạch hơn và an toàn hơn nhờ những nỗ lực trồng mới hàng triệu cây xanh, xây dựng các hành lang xanh và tăng cường không gian mở. Nhờ đó, nhiệt độ trung bình của Medellin đã giảm 2 độ C và tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp giảm 40% chỉ trong vòng 3 năm đầu triển khai chương trình.

Rafi Reish, nhà quy hoạch đô thị, nhấn mạnh rằng, các giải pháp công nghệ không nên là lựa chọn đầu tiên khi đối mặt với những vấn đề đô thị. Thay vào đó, các TP nên ưu tiên các giải pháp tự nhiên như trồng cây xanh, tạo bóng mát và tích hợp không gian xanh vào đô thị.

Singapore cũng đã thành công trong việc làm mát đô thị bằng việc tăng cường diện tích cây xanh, tạo bóng râm và áp dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Nhờ đó, TP này không chỉ giảm được nhu cầu sử dụng điều hòa mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.

Pháp: tháo dỡ vỉa hè

Tại Pháp, các TP đã và đang tiên phong trong việc chuyển đổi không gian đô thị bằng cách “tháo dỡ vỉa hè”. Thay vì bê tông hóa, người ta thay thế lớp nhựa đường bằng đất, cỏ và cây xanh để tạo ra các khu vực xanh thấm nước hiệu quả.

Trong một dự án gần rừng Saint Autrop, chính quyền đã quyết định dỡ bỏ 45.000 m2 bê tông của một bãi đậu xe để tạo ra một kênh dẫn nước và thảm thực vật, biến nơi đây thành một khu vườn xanh mát. Tương tự, TP Louvain cũng đang áp dụng mô hình này để ‘xóa bỏ’ các bãi đỗ xe, nhằm giảm nhiệt đô thị, và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sống gần các không gian xanh như công viên có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng giá trị bất động sản. Nghiên cứu của Tiến sĩ Shiri Zemach Shamir cho thấy rằng giá nhà ở gần công viên có thể tăng lên đến 9,25%. Ngoài ra, theo Đại học Washington, những cây lớn trong khu vực cũng góp phần làm tăng giá trị bất động sản từ 3% đến 15%.

Những phát hiện này cho thấy, việc đầu tư vào các giải pháp môi trường bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, mà còn là một quyết định kinh tế thông minh. Việc tạo ra các không gian xanh không chỉ làm tăng giá trị bất động sản mà còn thu hút người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển đô thị bền vững.

Thủ tướng: Cần hành động nhanh hơn ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu khiến bão ở Đông Nam Á mạnh lên đáng kể, một thành phố trực thuộc Trung ương đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/chien-luoc-chong-nong-hieu-qua-cua-cac-do-thi-tren-the-gioi.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiến lược chống nóng hiệu quả của các đô thị trên thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH