Quốc tế

Chiến tranh Israel-Hamas làm thay đổi góc nhìn của người Ả Rập

Huy Vũ Theo Foreign Affairs 16/12/2023 - 13:05

Sự ủng hộ dành cho Mỹ và giải pháp hai nhà nước đang giảm dần trong cộng đồng Ả Rập, nhưng tình cảm dành cho Iran và sự phản kháng bạo lực lại có chiều hướng gia tăng.

Chiến tranh Israel-Hamas làm thay đổi góc nhìn của người Ả Rập

Kể từ ngày 7/10, cuộc chiến mới nhất giữa Hamas và Israel đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người Palestine và hơn 1.200 người Israel. Cuộc chiến đã khiến hơn 1,8 triệu người Palestine phải rời bỏ nhà cửa và khiến số phận của nhiều người dân Israel không rõ ràng; hơn 100 người dân Israel vẫn bị giam giữ trái phép.

Giao tranh đã gây thiệt hại 15% các tòa nhà ở Gaza, bao gồm hơn 100 địa danh văn hóa và hơn 45% tổng số đơn vị nhà ở.

Như nhiều nhà phân tích đã tuyên bố, cuộc chiến tại Gaza đã gây ảnh hưởng khắp thế giới Ả Rập, tái khẳng định tầm quan trọng và sức mạnh của cuộc xung đột Israel-Palestine trong việc định hình nền chính trị khu vực. Tuy nhiên, thật khó để nói chính xác cuộc chiến đã ảnh hưởng đến thái độ của người Ả Rập đến mức nào và theo những cách cụ thể nào.

Hiện tại, điều đó đang thay đổi. Trong những tuần trước cuộc tấn công và ba tuần tiếp theo, công ty nghiên cứu phi đảng phái Arab Barometer đã thực hiện một cuộc khảo sát ở Tunisia.

Khoảng một nửa trong số 2.406 cuộc phỏng vấn được hoàn thành trong ba tuần trước ngày 7/10 và nửa còn lại diễn ra vào ba tuần sau đó. Kết quả đã cho thấy cuộc tấn công của Hamas và chiến dịch quân sự của Israel đã thay đổi quan điểm của người Ả Rập như thế nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cảnh báo rằng Israel đang mất đi sự hỗ trợ toàn cầu đối với cuộc chiến tại Gaza, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Kể từ ngày 7/10, mọi quốc gia trong cuộc khảo sát có mối quan hệ tích cực hoặc nồng ấm với Israel đều nhận được phản hồi tiêu cực từ phía người dân Tunisia.

Mỹ chứng kiến mức giảm mạnh nhất, các đồng minh Trung Đông của Washington vốn đã xây dựng mối quan hệ với Israel trong vài năm qua cũng không ngoại lệ.

Trong khi đó, các quốc gia giữ thái độ trung lập ít có sự thay đổi. Và tình cảm dành cho Iran, quốc gia kịch liệt phản đối Israel, ngày càng tăng lên. Ba tuần sau các cuộc tấn công, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei có tỷ lệ ủng hộ ngang bằng hoặc thậm chí vượt quá tỷ lệ của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Tiểu vương quốc Mohammed bin Zayed.

Tunisia chỉ là một quốc gia Bắc Phi, một khu vực có nhiều khác biệt lớn, và cuộc khảo sát này không thể cho các chuyên gia biết mọi thứ về cách người dân trong cộng đồng Ả Rập suy nghĩ và cảm nhận.

Nhưng trong các cuộc khảo sát trước đây của Arab Barometer, người Tunisia có quan điểm tương tự như quan điểm ở hầu hết các nước Ả Rập khác. Dân số cởi mở với phương Tây nhưng cũng cởi mở với các cường quốc toàn cầu khác, như Trung Quốc và Nga. Về mặt địa lý, nước này nằm ngoài những ảnh hưởng trực tiếp của cuộc xung đột Israel-Palestine, nhưng nó có lịch sử liên hệ trực tiếp, bao gồm cả việc từng là trụ sở của Tổ chức Giải phóng Palestine.

Các nhà phân tích và quan chức có thể giả định một cách an toàn rằng quan điểm của người dân ở những nơi khác trong khu vực đã thay đổi theo những cách tương tự như những thay đổi gần đây diễn ra ở Tunisia.

Những thay đổi đó rất ấn tượng: hiếm khi có những thay đổi ở mức độ này chỉ trong vài tuần. Nhưng điều đó không cho thấy phản ứng tức thời của người Tunisia.

Nếu người dân Tunisia thay đổi quan điểm chỉ vì họ ủng hộ hành động của Hamas, thì một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra trong vòng một ngày sau cuộc tấn công và khi đó quan điểm của người dân Tunisia sẽ nhanh chóng ổn định.

Thay vào đó, ý kiến của họ thay đổi từng chút một hàng ngày trong khoảng thời gian ba tuần, nhưng đáng kể trong suốt thời gian đó. Kết quả là, rất có thể quan điểm của người dân Tunisia đã thay đổi không phải để đáp lại cuộc tấn công của Hamas mà là trước các sự kiện tiếp theo, cụ thể là thương vong của dân thường ngày càng tăng khi Israel đưa quân vào Gaza.

Tuy nhiên, cuộc chiến chắc chắn đã làm tăng sự ủng hộ của người Tunisia đối với cuộc phản kháng của người Palestine. So với các cuộc khảo sát được thực hiện trước vụ tấn công ngày 7/10, hiện nay có nhiều người Tunisia muốn người Palestine giải quyết xung đột của họ với Israel thông qua vũ lực hơn là bằng giải pháp hòa bình.

Tâm lý quần chúng ngày càng quan trọng ở nhiều quốc gia Ả Rập, nơi các nhà lãnh đạo luôn bận tâm tới các cuộc biểu tình và những quan điểm đang thay đổi này sẽ định hình lại nền chính trị ở thế giới Ả Rập cũng như trên toàn cầu.

Mỹ và các đồng minh khu vực sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng Hiệp định Abraham, hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa một số quốc gia Ả Rập và Israel. Washington cũng có thể mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh với hai đối thủ Trung Quốc Nga trong khu vực. Mỹ thậm chí có thể nhận thấy rằng nhiều đồng minh lâu đời như Ả Rập Saudi và UAE đã trở nên dễ chấp nhận các đối thủ của mình hơn khi họ tìm cách ngăn chặn sự suy thoái trong khu vực.

Ví dụ, gần đây cả hai nước đã chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm đầu tiên tới khu vực kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Sự ủng hộ ngày càng tăng cho hoạt động kháng chiến vũ trang cũng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Cuộc chiến chống lại Hamas vẫn chưa dẫn đến một cuộc xung đột rộng hơn, nhưng Israel đã phải chống đỡ các cuộc tấn công từ Hezbollah ở Lebanon, đồng thời khu vực Trung Đông và Bắc Phi nói chung có xu hướng bất ổn.

Không khó để tưởng tượng cuộc chiến hiện tại có thể xoáy sâu hoặc mở ra cánh cửa cho một cuộc xung đột trong tương lai như thế nào. Do đó, để ổn định khu vực, Israel và các đồng minh phải tìm cách chấm dứt cuộc chiến này và sau đó nhanh chóng chuyển hướng sang giải quyết hòa bình cuộc xung đột Israel-Palestine.

Chạm đáy

Dự án Arab Barometer đã làm một cuộc khảo sát nhằm đo lường phản ứng của người dân Tunisia khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10.

Trong 1.146 cuộc phỏng vấn được thực hiện trước vụ tấn công ngày 7/10, 40% người Tunisia có quan điểm tích cực hoặc có phần tích cực về Mỹ, so với 56% có quan điểm không ủng hộ. Nhưng sau khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, điều đó nhanh chóng thay đổi.

Đến cuối cuộc khảo sát, chỉ có 10% người Tunisia có cái nhìn tích cực về Mỹ. Ngược lại, 87% có ấn tượng không tốt. Trước ngày 7/10, 56% người Tunisia muốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ. Ba tuần sau, con số đó giảm xuống còn 34%. Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa bao giờ đặc biệt nổi tiếng ở Tunisia, với tỷ lệ ủng hộ là 29% trước ngày 7/10.

Nhưng sau khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở Gaza còn ông Biden tuyên bố hỗ trợ “vô điều kiện” đối với Israel, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ đã giảm xuống còn 6%.

Cuộc chiến tại Gaza cho đến nay là sự kiện tin tức lớn nhất diễn ra trong cuộc khảo sát và các phản hồi khác cho thấy rõ rằng người Tunisia luôn nghĩ về cuộc xung đột Israel-Palestine khi họ đánh giá về Mỹ.

Khi người Tunisia được hỏi chính sách nào của Mỹ là quan trọng nhất đối với họ ở Trung Đông và Bắc Phi, tỷ lệ giải quyết xung đột Israel-Palestine đã tăng đáng kể sau ngày 7/10, từ 24% lên 59%. Để so sánh, số người Tunisia trả lời “phát triển kinh tế” đã giảm từ 20% xuống còn 4%.

Cho đến nay, những quan điểm ngày càng tồi tệ về Mỹ vẫn chưa trực tiếp mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Nga, cả hai nước đều giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến. Trước cuộc tấn công của Hamas, 70% người Tunisia có cái nhìn tích cực về Trung Quốc; đến ngày 27/10, con số đó đã tăng 5%.

Số người muốn có mối quan hệ kinh tế ấm áp hơn với Trung Quốc đã giảm từ 80% xuống 78%. Trước cuộc tấn công, 56% người Tunisia có cái nhìn thiện cảm với Nga so với 53% vào thời điểm kết thúc khảo sát. Tỷ lệ người muốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Nga đã tăng từ 72% lên 75%.

Các cường quốc không phải là quốc gia duy nhất mà người Tunisia hiện nay có quan điểm khác. Thái độ của người dân đối với một số cường quốc trong khu vực cũng thay đổi sau ngày 7/10. Giống như những thay đổi trong quan điểm đối với Mỹ, những thay đổi chủ yếu liên quan đến cách các quốc gia này đối xử với Israel.

Hãy xem xét ví dụ về Ả Rập Saudi. Trong giai đoạn trước cuộc tấn công, đã có nhiều đồn đoán rằng chính quyền Riyadh sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Khi tâm lý phản đối Israel ngày càng gia tăng tại Tunisia trong những tuần sau ngày 7/10, quan điểm của họ về Ả Rập Saudi cũng trở nên u ám. Tỷ lệ ủng hộ Ả Rập Saudi tại Tunisia giảm từ 73% xuống 59%.

Tương tự, tỷ lệ người Tunisia muốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Ả Rập Saudi đã giảm từ mức trung bình 71% xuống còn 61%. Những thay đổi này đặc biệt đáng chú ý vì Tổng thống Tunisia Kais Saied, người được xếp hạng tán thành cao ở trong nước, có mối liên hệ rất chặt chẽ với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman.

Ngược lại, quan điểm về Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không thay đổi. Chính quyền Ankara từ lâu đã tìm cách nêu bật và đồng cảm với hoàn cảnh của người Palestine và 68% người Tunisia có cái nhìn tích cực về Thổ Nhĩ Kỳ cả trước và sau cuộc tấn công. Quan điểm về chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giảm từ 54% xuống 47%, nhưng số người muốn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với nước này đã tăng lên, từ 57% lên 64%.

Một quốc gia hưởng lợi từ sự ủng hộ dành cho Hamas đó là Iran. Vào ngày 17/10, Lãnh tụ tối cao Khamenei đã kêu gọi chấm dứt ném bom Gaza. Trước cuộc tấn công, chỉ 29% người Tunisia có quan điểm ủng hộ chính sách đối ngoại của Khamenei. Vào cuối cuộc khảo sát, con số này đã tăng lên 41%. Sự ủng hộ tăng vọt là đáng chú ý nhất trong những ngày sau tuyên bố ngày 17/10 của Khamenei.

Và sau đó là chính Israel. Ngay cả trước cuộc tấn công, người Tunisia đã có cái nhìn cực kỳ bất lợi về Israel, chỉ 5% người dân đánh giá tích cực về đất nước này. Kết quả là, tỷ lệ ủng hộ dành Israel sau đó tụt xuống 0%. Nhưng quan điểm về bình thường hóa đã thay đổi. Vào ngày 7/10, 12% người dân Tunisia ủng hộ việc bình thường hóa. Đến ngày 27/10, con số đó chỉ đạt 1%.

Quan điểm về cuộc xung đột Israel-Palestine cũng thay đổi. Trước ngày 7/10, khi được hỏi về các biện pháp ưa thích của họ để giải quyết xung đột, 66% người Tunisia ủng hộ giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967, trong khi 18% ủng hộ một con đường ngoại giao thay thế, chẳng hạn như một quốc gia duy nhất có quyền bình đẳng cho tất cả mọi người hoặc một liên minh.

Chỉ 6% người Tunisia chọn “khác”, đại đa số trong số họ đề xuất phản kháng vũ trang chống lại Israel, có thể dẫn tới việc loại bỏ nhà nước Israel. Nhưng đến cuối cuộc khảo sát, chỉ có 50% người Tunisia ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Những người ủng hộ giải pháp một quốc gia hoặc liên bang đã giảm 7%. Mức tăng lớn nhất là hạng mục “khác”, tăng 30% lên 36%. Một lần nữa, đại đa số những người Tunisia này muốn tiếp tục phản kháng vũ trang.

Phá vỡ chu kỳ

Tunisia cách xa Israel về mặt địa lý, và nhu cầu kháng chiến vũ trang ngày càng tăng của người dân nước này khó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến. Nhưng nếu các quốc gia Ả Rập khác có những thay đổi quan điểm tương tự, thì giao tranh ở biên giới Israel có thể bùng phát hơn nữa.

Và rất có thể, sự tức giận đối với Israel thậm chí còn gia tăng hơn ở các quốc gia gần xung đột hơn hoặc ở những quốc gia có nhiều người tị nạn Palestine hơn, như Jordan và Lebanon. Do đó, khả năng xảy ra bạo lực lớn hơn là rất nghiêm trọng. Xét cho cùng, Trung Đông và Bắc Phi đang bị ảnh hưởng bởi nhiều xung đột đang diễn ra hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Khi việc bắn phá Gaza tiếp tục, nguy cơ này sẽ chỉ tăng lên. Trên thực tế, ngay cả sau khi giao tranh kết thúc, khu vực này có thể vẫn còn bấp bênh hơn. Một thế hệ người dân mới giờ đây đã chứng kiến sự khủng khiếp chiến sự trên truyền hình và mạng xã hội, bao gồm cả những hình ảnh bi thảm.

Một nhóm nhỏ người dân Ả Rập có thể chọn tài trợ, tham gia hoặc giúp đỡ các nhóm vũ trang chiến đấu chống lại Israel. Các chính trị gia của Israel có thể nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ giúp họ an toàn hơn, nhưng an ninh của Israel sẽ không tăng lên vì xung đột.

Sự thật đơn giản là chính nghĩa của người Palestine vẫn có tầm quan trọng sống còn đối với thế giới Ả Rập, và Israel không thể hy vọng giải quyết vấn đề bằng vũ lực.

Vấn đề này vẫn được thế hệ trẻ Ả Rập quan tâm. Bất chấp những gì nhiều nước phương Tây (và một số nước Ả Rập) có thể kỳ vọng, Israel sẽ không thể đạt được hòa bình với các nước láng giềng chừng nào người Palestine chưa có nhà nước.

Chỉ trong 20 ngày, quan điểm của người Tunisia về thế giới đã thay đổi theo những cách hiếm khi xảy ra dù chỉ trong vài năm. Không có vấn đề nào khác trên khắp thế giới Ả Rập mà mọi người cảm thấy có sự gắn kết cá nhân và tình cảm đến vậy.

Mức độ này đặc biệt nổi bật trước những thách thức trong nước của Tunisia. Quốc gia Bắc Phi hiện có GDP bình quân đầu người thấp hơn so với trước cuộc cách mạng năm 2010. Tuy nhiên, người Tunisia vẫn muốn ít can dự kinh tế hơn với Mỹ.

Nếu Israel và Mỹ tìm kiếm hòa bình thực sự với thế giới Ả Rập, họ phải thay đổi chính sách của mình. Họ cần tìm cách chấm dứt cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa người Israel và người Palestine.

Điều đó có nghĩa là tất cả các nhóm này phải nỗ lực hướng tới một tương lai công bằng và xứng đáng cho người dân Palestine: cụ thể là giải pháp hai nhà nước. Đó là cách duy nhất để thay đổi trái tim và tâm trí của những người dân láng giềng và chấm dứt chu kỳ bạo lực đã hoành hành ở Trung Đông trong thế kỷ qua.

Giá xăng dầu hôm nay 11/1: cao nhất trong 3 tháng

Giá xăng dầu hôm nay 6/1: tuần mới trong sắc xanh

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/chien-tranh-israel-hamas-lam-thay-doi-goc-nhin-cua-nguoi-a-rap-post141462.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiến tranh Israel-Hamas làm thay đổi góc nhìn của người Ả Rập
    POWERED BY ONECMS & INTECH