Một số chủ nhà không hài lòng về việc kết hợp nhà ở công cộng và tư nhân của chính phủ. Họ yêu cầu tách biệt khu nhà ở xã hội khỏi khu nhà ở thương mại.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản ngày càng lan rộng.
Thượng Hải tuyên bố rằng bất kỳ ai ly hôn sẽ bị hạn chế mua căn hộ trong 3 năm. Ở Thành Đô, chỉ những cư dân địa phương đã nộp thuế phúc lợi xã hội mới được mua một căn mới. Tại thành phố Đường Sơn, phía Đông Bắc đất nước, bất kỳ ai mua nhà đều không được chuyển nhượng trong ít nhất ba năm rưỡi.
Tuy nhiên, những hạn chế đó gần đây đã được dỡ bỏ khi Trung Quốc cố gắng vực dậy tình trạng suy thoái bất động sản  nghiêm trọng. Kể từ năm ngoái, hơn 25 thành phố của Trung Quốc đã bãi bỏ mọi hạn chế đối với việc mua bất động sản.
Một khu nhà ở phức hợp đang được xây dựng ở Đông Hoản, Quảng Đông phía Nam Trung Quốc
Tháng trước, chính quyền Trung ương còn phải ra thông báo kêu gọi chính quyền địa phương mua những ngôi nhà chưa bán được và chuyển thành nhà ở công cộng. Tuy nhiên, chính sách này lại vô tình khiến người mua nhà ái ngại. Họ lo chính sách mới sẽ khiến giá bất động sản "cắm đầu xuống đất", vậy nên phản ứng bất mãn có thể xảy ra.
>> Lộ diện 'khối óc' quyết định hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên 
Nhiều chủ nhà Trung Quốc dành dụm tiền đầu tư bất động sản đang lo lắng việc nới lỏng các hạn chế sẽ khiến giá bất động sản của họ giảm xuống.
Khi Thành Đô dỡ bỏ các hạn chế vào cuối tháng 4, một người đã gửi đơn khiếu nại lên trang web của chính phủ. Họ cho rằng các lệnh gỡ bỏ là không công bằng đối với những người đã rất nỗ lực để có đủ quyền mua nhà. Họ đã đóng thuế an sinh xã hội đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ mới mua được thêm một căn nhà mới.
Người này viết: “Tôi coi việc đủ điều kiện mua một căn nhà ở Thành Đô là một vinh dự và là bằng chứng cho thấy tôi đã làm việc chăm chỉ như thế nào. Nhưng giờ đây ai cũng có thể mua nhà, kể cả những người “không đóng góp gì” cho thành phố". Vì vậy, người này yêu cầu các quan chức “khôi phục các hạn chế mua bất động sản càng sớm càng tốt”.
Giá nhà  mới ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc đã giảm 11 tháng liên tiếp. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 4, giá nhà đã giảm 0,6% so với tháng trước. Đây là hệ quả của tình trạng suy thoái kéo dài và việc bán nhà trở nên khó khăn hơn, chính quyền địa phương bắt đầu cho phép các nhà phát triển giảm giá.
Tại trung tâm thành phố Tây An, cô Liu mua một căn hộ 4 phòng ngủ có giá khoảng 420.000 USD vào tháng 1. Sau đó, cô phát hiện ra Poly Group, một công ty phát triển nhà nước, đang đưa ra nhiều ưu đãi giảm giá khoảng 40.000USD đối với những căn hộ tương tự. Cô cho biết cô đã biết rằng nhân viên bán hàng của chủ đầu tư đã gây áp lực buộc người mua phải trả trước và sau đó thông báo giảm giá chỉ sau một ngày nhận được tiền đặt cọc.
Cô Liu cho biết, các chủ nhà trong khu chung cư của cô đã gọi điện đến văn phòng thị trưởng Tây An để yêu cầu họ nhận khoản bồi thường tương đương với số tiền giảm giá. Nhưng chính quyền trả lời họ không có quyền dừng việc giảm giá.
Theo các chuyên gia, việc chính phủ nới lỏng quy định mua nhà  nhằm mục đích để tiền chảy vào túi các nhà phát triển đang mắc nợ để kịp thanh toán lãi tín dụng. Nó cũng giúp giảm bớt lượng tồn kho của những ngôi nhà rất lâu chưa tìm được chủ mua.
Tập đoàn Australia ANZ ước tính sẽ mất 3,6 năm để xử lý tất cả các tài sản dân cư chưa bán được ở Trung Quốc, lâu hơn 50% so với đợt sụt giảm bất động sản lớn gần đây nhất của nước này vào năm 2014.
Một số chủ nhà cũng không hài lòng về chính sách thu mua hàng triệu căn hộ bị ế, chuyển đổi thành nhà xã hội của Chính phủ. Các chủ nhà cho rằng, họ đang phải chịu đựng nỗi buồn không thể tả xiết vì gộp nhà của họ vào khu nhà ở giá rẻ. Họ yêu cầu tách biệt khu nhà ở giá rẻ khỏi khu nhà ở thương mại của họ
Một người đàn ông có tên Juan nói: “Cộng đồng nhà ở thương mại không nên có nhà ở công cộng cho thuê. Nếu ngay từ đầu tôi biết đây là khu phức hợp có nhà ở xã hội thì chắc chắn tôi sẽ chẳng thèm để ý đến”.
Lược dịch từ New York Times