Chính thức trình dự án nghiên cứu sửa chữa cầu thép lâu đời nhất Việt Nam, từng bị bom đạn ném trúng 14 lần
Cây cầu này hiện do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, chủ yếu phục vụ vận hành đường sắt quốc gia.
Đầu tháng 9/2024, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội đã chính thức trình Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND thành phố đề nghị xem xét phê duyệt dự án nghiên cứu và sửa chữa cầu Long Biên  trong giai đoạn ngắn hạn.
Hiện tại, cầu Long Biên do Bộ Giao thông Vận tải  quản lý, chủ yếu phục vụ cho hoạt động của đường sắt quốc gia. Bộ Giao thông Vận tải cũng chịu trách nhiệm chính về việc vận hành và đảm bảo an toàn cho cây cầu này.
Năm 2023, Đại sứ quán Pháp đã gửi thư ngỏ tới UBND TP. Hà Nội, đề nghị hỗ trợ khoảng 700.000 EURO nhằm tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trong việc nghiên cứu phương án cải tạo và sửa chữa cầu Long Biên.
Dự án nghiên cứu này bao gồm ba phần: khảo sát và đánh giá hiện trạng cầu Long Biên; đưa ra khuyến cáo về những chi tiết và hạng mục cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn; quản lý, khai thác cầu sau khi không còn phục vụ cho đường sắt quốc gia  và được bàn giao cho TP. Hà Nội.
Trên cơ sở những nội dung đã thống nhất, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải ký kết biên bản ghi nhớ vào đầu năm 2024.
Khoản hỗ trợ của phía Pháp là khoản viện trợ không hoàn lại, nhưng cần thực hiện theo quy trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), lập và trình chủ trương đầu tư để xin phê duyệt.
Vì vậy, vào đầu tháng 9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chính thức trình Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND thành phố để xem xét phê duyệt dự án. Chỉ khi văn kiện dự án được phê duyệt, khoản hỗ trợ này mới chính thức có hiệu lực.
Nghiên cứu này chỉ là hỗ trợ kỹ thuật, kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển lại cho Bộ Giao thông Vận tải, là cơ quan chủ quản của cầu Long Biên, để xem xét và triển khai thực hiện.
Trước đó, ngày 23/6/2022 UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 2170/QĐ-UBND về thành lập và phân công nhiệm vụ Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” do Chính phủ Pháp tài trợ.
Tổ chuyên gia có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Đại sứ quán Pháp, cơ quan phát triển Pháp nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan; xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND thành phố thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan của Nhà nước.
Hiện đường sắt quốc gia đang chạy qua cầu Long Biên, nhưng về lâu dài khi đã hình thành được mạng lưới đường sắt thay thế, trong quy hoạch đã xác định rõ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao cầu cho TP. Hà Nội quản lý và khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối liền hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm. Cầu được Pháp thiết kế và khởi công xây dựng năm 1898, đến 1902 hoàn thành. Đến nay, cầu đã 122 năm tuổi và là cây cầu thép lâu đời nhất Việt Nam.
Khi mới được xây dựng, cầu Long Biên là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á với 2.990m chiều dài và 896m cầu dẫn.
Cầu Long Biên ban đầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, với hai bên cầu có vỉa hè rộng 1,3m cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp. Ô tô khi đó phải qua sông bằng phà. Đến năm 1914, việc cải tạo cầu để dành cho ô tô đã được cân nhắc, nhưng phải chờ đến sau Thế chiến I thì việc mở rộng để có làn đường bộ mới được thực hiện.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu Long Biên đã phải hứng chịu 14 lần bị ném bom. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), máy bay Mỹ đã ném bom cầu Long Biên 10 lần, làm hư hại 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Trong cuộc chiến phá hoại lần thứ hai (1972), cầu bị tấn công 4 lần, làm hỏng 1.500m cầu và cắt đứt hai trụ lớn. Để duy trì giao thông, các nhịp cầu bị hư hỏng nặng đã được thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu.