Thiên tài công nghệ Việt Nam là 'cha đẻ' Unikey: Khả năng lập trình xuất chúng khiến Apple chú ý, đầu quân cho hàng loạt ‘kỳ lân’ công nghệ
Xuất phát từ một ý tưởng khi còn là sinh viên đại học, người đàn ông này đã phát triển thành công bộ gõ tiếng Việt và tặng miễn phí cho người dùng trong nước.
Bảng thành tích đáng ngưỡng mộ
Ông Phạm Kim Long, sinh năm 1973 chính là ‘cha đẻ’ của Unikey – phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí đã trở thành “người bạn đồng hành” không thể thiếu của hàng triệu người dùng Việt Nam. Với tài năng lập trình xuất chúng, ông đã ghi dấu ấn qua một hành trình học tập và sự nghiệp đầy ấn tượng.
Trước khi trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa Hà Nội , Phạm Kim Long từng là học sinh ưu tú của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi vào năm 1996, với đề tài tốt nghiệp “Quản lý hệ thống thông tin môi trường bằng công cụ Oracle”.

Sau đó, ông tiếp tục hành trình học thuật với vai trò nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc. Tại đây, ông không chỉ trau dồi kiến thức mà còn bắt đầu sáng tạo nhiều phần mềm phục vụ nhu cầu cá nhân và bạn bè. Nhưng dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của ông chính là sự ra đời của Unikey – bộ gõ tiếng Việt đã thay đổi cách người Việt sử dụng máy tính.
Ý tưởng về Unikey bắt nguồn từ năm 1994, khi ông và các bạn cùng lớp tại Đại học Bách Khoa thử sức với một thử thách: tạo ra một bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn cho hệ điều hành DOS. Kết quả, Phạm Kim Long đã phát triển thành công một bộ gõ chỉ nặng 2KB, đặt nền móng cho Unikey sau này. Đến thời gian học tại Cộng hòa Séc, ông tiếp tục hoàn thiện bộ gõ LittleVnKey cho hệ điều hành Windows.
Nhưng phải đến năm 2000, khi Windows hỗ trợ mã Unicode, Unikey mới chính thức ra mắt, trở thành phần mềm đầu tiên hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đáng kinh ngạc, ông chỉ mất ba ngày để thiết kế và hoàn thiện phần mềm này. Với tính năng đơn giản, hiệu quả và hoàn toàn miễn phí, Unikey nhanh chóng chiếm được cảm tình của cộng đồng người Việt, dù không tránh khỏi sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp phần mềm thương mại.

Chia sẻ về quyết định phát hành Unikey miễn phí, ông Long từng nói: “Unikey ra đời từ nhu cầu thực tế của người dùng về một công cụ gõ tiếng Việt miễn phí. Với tôi, đây là một niềm vui và tôi muốn lan tỏa niềm vui đó đến mọi người”. Chính tinh thần cởi mở này đã giúp ông duy trì Unikey như một phần mềm mã nguồn mở, tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia phát triển.
Đến năm 2006, Unikey ghi dấu ấn toàn cầu khi Apple liên hệ với Phạm Kim Long để tích hợp lõi phần mềm vào các sản phẩm của hãng. Kể từ đó, Unikey trở thành công cụ gõ tiếng Việt mặc định trên iPhone, iPad, Mac và MacBook, khẳng định giá trị vượt thời gian của một sáng tạo “made in Vietnam”.
Từng hợp tác cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu
Không chỉ gây ấn tượng với những thành tích học tập ‘khủng’, ông Phạm Kim Long cũng được biết đến là một trong những tài năng công nghệ xuất sắc tại Việt Nam. Ông từng có thời gian hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước như IBM Việt Nam, FPT Telecom, và sau đó là VNG với dự án Zalo AI. Chưa dừng lại, ông tiếp tục hành trình tại MoMo, nơi ông tiếp tục theo đuổi đam mê với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.
Ông từng chia sẻ với báo chí rằng tại MoMo, ông tìm thấy một "sân chơi" lớn với kho dữ liệu phong phú, đa dạng, cùng với các dịch vụ và sản phẩm đã được tích hợp sẵn. Đây chính là môi trường lý tưởng để ông phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Hơn nữa, trong quá trình trao đổi với các lãnh đạo MoMo, ông càng cảm thấy hứng thú với tầm nhìn xa và mục tiêu rõ ràng của công ty về AI, công cụ hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng. Chính những yếu tố này đã thôi thúc ông quyết định gắn bó lâu dài với MoMo và cùng đồng hành trên con đường đổi mới sáng tạo.

Niềm đam mê với công nghệ chính là động lực thúc đẩy ông Long hết mình với các dự án mà mình theo đuổi. Để duy trì sự tập trung cao độ trong công việc, ông Long chia sẻ rằng mình hạn chế sử dụng mạng xã hội và chỉ dành thời gian cụ thể để tham gia các cuộc thảo luận trực tuyến, tránh để bị phân tâm. Ngoài công việc, ông cũng tham gia các hoạt động thể thao như chạy bộ, tennis và bơi lội để nạp thêm năng lượng tích cực, đồng thời giúp cải thiện khả năng tập trung.
Trong công việc, không thể thiếu những ý kiến trái chiều. Khi đối diện với tình huống này, ông Phạm Kim Long luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, tập trung vào vấn đề thay vì chỉ trích cá nhân. Ông tin rằng việc lắng nghe một cách bình tĩnh, phân tích và đánh giá các lập luận một cách thấu đáo sẽ giúp đưa ra phản hồi phù hợp và hiệu quả. Đối với ông, không phải lúc nào cũng là câu chuyện ai đúng ai sai, mà điều quan trọng là tìm ra người có trách nhiệm cuối cùng trong việc ra quyết định, từ đó hướng tới giải pháp tốt nhất cho dự án.
Ảnh: Internet