Chính thức từ 1/7, các trường hợp này sẽ không được chi trả BHXH khi đi khám, chữa bệnh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 nêu rõ các trường hợp không được chi trả BHXH khi khám, chữa bệnh.
Từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) - gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi 2024 chính thức có hiệu lực. Bên cạnh việc mở rộng phạm vi thanh toán, luật cũng tiếp tục khẳng định 12 nhóm trường hợp sẽ không được Quỹ BHYT chi trả, trong đó có 2 điểm mới đáng chú ý.
Giữ nguyên danh sách, điều chỉnh 2 nội dung
Theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024, danh mục 12 trường hợp không được thanh toán BHYT vẫn giữ nguyên như Luật BHYT năm 2014. Tuy nhiên, trường hợp thứ 7 và thứ 8 đã được sửa đổi và bổ sung, người dân cần đặc biệt lưu ý
Thứ bảy, không chi trả điều trị tật khúc xạ và lác mắt đối với người từ 18 tuổi trở lên (trước đây là từ 6 tuổi trở lên).
Thứ tám, không chi trả thiết bị y tế thay thế như chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, dụng cụ trợ giúp vận động… (trước đây quy định là “vật tư y tế”).

Danh sách 12 trường hợp không được hưởng BHYT
Ngoài hai điểm điều chỉnh nêu trên, Luật cũng quy định rõ 10 trường hợp khác không được BHYT chi trả:
1. Chi phí đã do ngân sách nhà nước thanh toán, gồm: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh.
2. Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong cấp cứu hoặc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, trừ các đối tượng đặc biệt như: người có công, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.
3. Dịch vụ điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở chuyên biệt.
4. Khám sức khỏe định kỳ (không phải khám chữa bệnh).
5. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không phục vụ mục đích điều trị.
6. Hỗ trợ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nạo phá thai (trừ khi đình chỉ thai do bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi).
7. Dịch vụ thẩm mỹ.
8. Thiết bị y tế thay thế (chân tay giả, mắt giả, kính mắt, máy trợ thính…).
9. Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trong thảm họa.
10. Điều trị nghiện ma túy, rượu và các chất gây nghiện khác.
11. Giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần.
12. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Việc nắm rõ các trường hợp không được hưởng BHYT là rất quan trọng, giúp người dân chủ động trong quá trình khám chữa bệnh , tránh hiểu nhầm về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Hiện nay, người tham gia BHYT đang được Quỹ BHYT chi trả cho các chi phí sau:
Khám, chữa bệnh: Bao gồm khám chữa bệnh trực tiếp, khám từ xa, hỗ trợ khám từ xa, y học gia đình, khám tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con.
Chi phí vận chuyển người bệnh: Trong trường hợp cấp cứu hoặc điều trị nội trú phải chuyển tuyến, áp dụng với một số nhóm đối tượng đặc thù như người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo... (cụ thể tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o và r khoản 3 Điều 12 của Luật).
Chi phí y tế chuyên môn: Gồm thuốc, dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, dụng cụ... nếu nằm trong danh mục thanh toán của Quỹ BHYT.
>> Chính thức từ 1/7, người dân khám, chữa bệnh BHYT không cần chuyển tuyến vẫn được hưởng 100%
Sắp tới, tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục sẽ được hưởng 1 quyền lợi đặc biệt: Người dân lưu ý
Chính thức từ 1/7, thay đổi mức đóng BHYT với quân đội, công an và lực lượng cơ yếu