Chính thức từ tháng 7/2025, các cơ sở kinh doanh dược được phép bán online đối với một số loại thuốc, dược sĩ và người dân lưu ý
Các cơ sở kinh doanh dược được phép bán online các loại thuốc không kê đơn, không thuộc nhóm "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" và "Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ".
Chỉ được bán online thuốc kê đơn trong trường hợp cách ly y tế do dịch nhóm A
Theo Báo Giao thông, chiều ngày 21/11, Quốc hội  đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với 426/430 đại biểu tán thành (chiếm 88,94%). Một điểm đáng chú ý trong Luật Dược mới là quy định chi tiết về việc kinh doanh dược phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Từ 1/7/2025, chính thức được phép bán thuốc online. Ảnh: Gia Hân
Theo quy định, việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử bị cấm với thuốc kê đơn, ngoại trừ trường hợp cách ly y tế trong bối cảnh có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thuốc phải kiểm soát đặc biệt; và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Như vậy, các cơ sở kinh doanh dược được phép bán online các loại thuốc không kê đơn , với điều kiện thuốc không nằm trong nhóm "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" và "Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ". Thuốc không kê đơn là những loại thuốc không yêu cầu đơn của bác sĩ khi cấp phát, bán lẻ hoặc sử dụng. Danh mục này được Bộ Y tế công bố, dựa trên nguyên tắc và tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Luật mới cũng nêu rõ, khi kinh doanh qua thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh dược phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử, thương mại điện tử, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác có liên quan.
Bảo mật thông tin của người mua thuốc
Dẫn nguồn tin từ Báo Thanh tra, trước khi đại biểu biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật. Bà đề xuất chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn qua thương mại điện tử nhằm ngăn chặn việc bán lẻ thuốc kê đơn hoặc thuốc quản lý theo đơn trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, đề xuất này còn nhằm ngăn chặn việc doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân của bệnh nhân để thực hiện các giao dịch ngoài mục đích mua thuốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng Luật Dược hiện hành đã quy định nghiêm cấm kinh doanh không đúng phạm vi chuyên môn ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Luật sửa đổi bổ sung thêm quy định cấm bán lẻ thuốc kê đơn qua thương mại điện tử, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như cách ly y tế do dịch bệnh.
Theo đó, khi thực hiện hoạt động mua bán thuốc, cơ sở bán thuốc phải xác định rõ đối tượng khách hàng và giao dịch. Nếu là bán buôn, khách hàng phải là cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; nếu là bán lẻ, khách hàng phải là người tiêu dùng và không được phép mua thuốc kê đơn qua thương mại điện tử.
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược qua thương mại điện tử phải "bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật". Ngoài ra, các quy định hiện hành về thương mại điện tử và giao dịch điện tử cũng làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch.
>> Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung quy định về BHYT, tăng quyền lợi cho bệnh nhân ung thư