Thế giới

Chọn nhà thầu Trung Quốc, một loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm bị chậm tiến độ

Đăng Đức 20/04/2025 08:56

Sau vụ tòa nhà 30 tầng của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước ở Thái Lan đổ sập trong động đất, nhiều góc khuất tiếp tục bị phanh phui.

Phát hiện nhiều công trình cơ sở hạ tầng Thái Lan do công ty tai tiếng Trung Quốc xây dựng

Một tòa nhà mới tại Bệnh viện Songkhla (Thái Lan) đang được xây dựng bởi cùng một công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công tòa nhà 30 tầng của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, công trình đã bị sập trong trận động đất hôm 28/3 .

Công ty này cũng đang thi công nhà ga mới tại sân bay Narathiwat, một dự án đã bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

Tòa nhà bệnh viện cao 9 tầng này được thiết kế để phục vụ bệnh nhân ngoại trú và cấp cứu tại Bệnh viện Songkhla, huyện Mueang Songkhla, tỉnh Songkhla, Thái Lan.

Chọn nhà thầu Trung Quốc, một loạt dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á bị chậm tiến độ - ảnh 1
Các tổ chức tư nhân hỗ trợ bằng cách triển khai cần cẩu để dọn dẹp đống đổ nát vì động đất trong nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ tại một công trường xây dựng bị sập ở quận Chatuchak, Bangkok, Thái Lan vào thứ Ba (1/4) - Ảnh: Nutthawat Wichieanbut/Bangkok Post

>> Thái Lan thẩm vấn nhóm người Trung Quốc tẩu tán tài liệu vụ sập toà nhà trong động đất

Hôm thứ Ba (1/4), Giám đốc bệnh viện, ông Ratanapol Lorprasertkul, cùng các kỹ sư công trình công cộng đã kiểm tra tòa nhà đang xây dựng dở dang với tổng kinh phí 426,9 triệu baht (hơn 320 tỷ đồng).

Nhà thầu chính là liên danh AKC, bao gồm Công ty Phát triển Akarakorn với 51% cổ phần và Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc (Thái Lan) với 49% cổ phần còn lại.

“Chất lượng vật liệu xây dựng được kiểm soát chặt chẽ và tòa nhà được thiết kế để chịu được động đất. Các kỹ sư và cơ quan chức năng liên quan đang giám sát chặt chẽ để đảm bảo công trình đáp ứng mọi tiêu chuẩn”, Giám đốc bệnh viện cho biết.

Tòa nhà bệnh viện mới dự kiến hoàn thành vào giữa năm nay, nhưng đang chậm tiên độ do trận lũ lụt nghiêm trọng vào cuối năm ngoái.

Quản lý dự án, ông Supachoke Phakdee, cho biết các công nhân có cảm nhận rung chấn nhẹ tại công trường trong trận động đất ở Myanmar, nhưng kết cấu tòa nhà vẫn nguyên vẹn. Việc thi công đã tạm dừng do lo ngại dư chấn, nhưng sẽ sớm tiếp tục trong vài ngày tới.

Tòa nhà mới tại Bệnh viện Songkhla không phải là dự án duy nhất mà công ty xây dựng Trung Quốc này tham gia.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan, bà Manaporn Charoensri, cho biết Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc (Thái Lan) cũng đang thi công nhà ga mới tại sân bay tỉnh Narathiwat. Tuy nhiên, tiến độ thi công rất chậm.

Trong tháng trước, việc xây dựng công trình nhà ga trị giá 639,89 triệu baht (hơn 480 tỷ đồng) chỉ tiến triển thêm 0,51% tiến độ, nâng tổng mức hoàn thành lên 39,24%.

Dự án vốn dĩ phải hoàn thành vào ngày 16/1 năm nay, nhưng do trận lũ lụt tại tỉnh Narathiwat vào cuối năm ngoái, tiến độ lại tiếp tục bị trì hoãn, bà Manaporn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan cũng nhấn mạnh rằng Cục Hàng không nước này, đơn vị chủ quản dự án, sẽ theo dõi sát sao tiến độ trong thời gian tới để đánh giá liệu nhà thầu có thể hoàn thành dự án hay không. Liên danh xây dựng bao gồm Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc (Thái Lan) và Công ty ISO Engineering.

Thêm một công ty Trung Quốc bị “sờ gáy” vì thảm họa sập tòa nhà cơ quan Nhà nước ở Bangkok

Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh cuộc điều tra về các dự án xây dựng khác liên quan đến nhà thầu Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm thi công tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) bị sập ở Bangkok trong trận động đất hôm 28/3.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết bà đã chỉ đạo các cơ quan liên quan điều tra tất cả các dự án xây dựng được giao cho Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc.

Chọn nhà thầu Trung Quốc, một loạt dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á bị chậm tiến độ - ảnh 2
Tòa nhà 9 tầng đang được xây dựng tại Bệnh viện Songkhla ở huyện Mueang của tỉnh Songkhla, Thái Lan hôm 2/4 - Ảnh: Assawin Pakkawan/Bangkok Post

Văn phòng Kiểm toán Nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh Công ty Phát triển Italy - Thái Lan và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc để thi công tòa nhà trị giá 2,1 tỷ baht (gần 1.576 tỷ đồng).

“Tôi đã yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra sâu hơn để xác định công ty này đang thực hiện bao nhiêu dự án khác”, bà Paetongtarn cho biết.

Nữ Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh rằng vụ sập tòa nhà đã gây thiệt hại về sinh mạng nhiều người và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của “xứ sở Chùa Vàng”.

>> Sập tòa nhà 30 tầng đang thi công: 43 người mắc kẹt, hiện trường đổ nát

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này Tawee Sodsong đã ra lệnh cho Cục Điều tra Đặc biệt (DSI) vào cuộc điều tra.

“Tất cả các tòa nhà tại Bangkok phải tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý. An toàn phải là ưu tiên hàng đầu”, bà Paetongtarn nhấn mạnh.

Ngoài ra, một cuộc điều tra cũng sẽ được tiến hành để làm rõ cáo buộc rằng thép được sử dụng trong công trình không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh tòa nhà SAO, các dự án khác do Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc thực hiện bao gồm tòa nhà của Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia và một số đoạn của tuyến đường sắt cao tốc Bangkok – Nong Khai.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Napintorn Srisunpang cho biết, một cuộc điều tra sơ bộ phát hiện các cổ đông của công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc có liên quan đến 13 công ty khác.

Ông cho biết một ủy ban điều tra do Bộ Thương mại thành lập sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát Chống Tội phạm Kinh tế Hoàng gia Thái Lan và Cục Thuế để xác minh liệu tập đoàn này có dính líu đến hành vi thông đồng hay sử dụng người Thái làm bình phong hay không.

Bộ sẽ chuyển kết quả điều tra cho DSI, ông Napintorn cho biết thêm. Cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy 51% cổ phần tập đoàn này thuộc sở hữu của người Thái, trong khi 49% thuộc về người Trung Quốc.

Một hãng tin danh tiếng phương Tây đưa tin các nhà thầu thi công tòa nhà văn phòng bị sập đã sử dụng thép kém chất lượng do một nhà máy bị chính quyền đóng cửa sản xuất.

Các mẫu thép thu thập tại hiện trường đã không đạt tiêu chuẩn về khối lượng, thành phần hóa học và khả năng chịu lực khi được kiểm tra bởi Viện Sắt thép Thái Lan.

Lô thép này do một công ty có nhà máy đã bị đóng cửa từ tháng 12 năm ngoái vì các vi phạm khác, ông Thitipas Choddaechachainun, Trưởng nhóm công tác thuộc Bộ Công nghiệp, cho biết mà không tiết lộ tên doanh nghiệp.

Hình ảnh các thanh thép do Bộ Thương mại và truyền thông địa phương công bố cho thấy nhãn hiệu "Sky", được sản xuất bởi Công ty Thép Xin Ke Yuan, đơn vị từng có nhà máy tại tỉnh Rayong (Thái Lan). Chính quyền đã đóng cửa nhà máy này vào tháng 12 năm ngoái sau một sự cố rò rỉ khí gas và thu giữ hơn 2.400 tấn thép.

Tòa nhà 30 tầng này là công trình duy nhất bị sập tại Bangkok sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter ở Myanmar. Vụ việc khiến ít nhất 12 công nhân thiệt mạng và hàng chục người khác bị mắc kẹt.

Công ty Thép Xin Ke Yuan là doanh nghiệp Trung Quốc thứ hai bị Thái Lan điều tra. Tòa nhà chọc trời này được xây dựng bởi ITD-CREC, một liên danh giữa Công ty Phát triển Italy - Thái Lan (niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan) và Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc (Thái Lan). Chính quyền sẽ thu thập thêm mẫu thép và phối hợp điều tra vụ việc.

Theo Bangkok Post

>> Động đất mạnh ở Thái Lan khiến loạt cao ốc rung chuyển: 1 tòa nhà cao tầng đổ sập, 43 người mắc kẹt

Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đập thủy điện 13.600 tỷ đồng hoàn thành vượt tiến độ 1 năm

Nhờ nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc 1.000km hơn 152.000 tỷ đồng hoàn thành sau 5 năm thi công

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chon-nha-thau-trung-quoc-mot-loat-du-an-co-so-ha-tang-o-quoc-gia-dong-nam-a-bi-cham-tien-do-139615.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chọn nhà thầu Trung Quốc, một loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm bị chậm tiến độ
    POWERED BY ONECMS & INTECH