Chọn Nhật Bản nhưng lại quay sang công nghệ Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 10 năm
Dự án này là một phần trong tham vọng kết nối khu vực của Bắc Kinh, nhưng tiến độ liên tục trì hoãn, chậm gần một thập kỷ so với kế hoạch ban đầu.
Thái Lan bắt đầu lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vào năm 2010. Đến năm 2017, nước này ký thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản để triển khai 8 dự án lớn, nổi bật trong đó là tuyến đường sắt cao tốc sử dụng công nghệ Nhật.
Nhưng chỉ 1 năm sau, tham vọng của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc  tại Thái Lan bắt đầu lung lay. Theo The Diplomat, dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Thái Lan gặp nhiều trở ngại, khiến kế hoạch ban đầu không thể tiến triển như mong đợi.
Sau đó, Thái Lan  quyết định chuyển hướng. Năm 2022, CNN đưa tin tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này – nối Bangkok với thành phố Nong Khai, gần biên giới Lào – đã được triển khai với công nghệ Trung Quốc.
![Chọn Nhật Bản nhưng lại quay sang công nghệ Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 10 năm - ảnh 1](https://fr.5me.workers.dev/nqs.1cdn.vn/2025/02/09/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_09-_t-08-china-thailand-railway-brings-hope-for-convenience-prosperity-copy_odit.jpg)
Khi hoàn thành, tuyến này sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào, tạo thành tuyến liên thông từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Singapore.
Được biết dự án đường sắt cao tốc Thái - Trung là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), giúp tăng cường kết nối hạ tầng và giao thông giữa 2 nước.
Ban đầu, Thái Lan đặt mục tiêu hoàn thành mạng lưới này vào năm 2030, nhưng tiến độ đã bị chậm gần một thập kỷ. Bangkok Post cho hay, tuyến đường dài 609km này có tổng vốn đầu tư lên tới 434 tỷ baht (gần 13 tỷ USD).
Đến ngày 29/1/2025, Thái Lan thông báo giai đoạn đầu của tuyến đường sắt, nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima, mới hoàn thành khoảng 36%. Bản thiết kế giai đoạn 2, kéo dài tuyến đến tỉnh Nong Khai, cũng đã hoàn tất và sẵn sàng trình lên Nội các.
Giai đoạn 2 chính thức được phê duyệt vào ngày 4/2/2025, với khoản đầu tư 340 tỷ baht (10 tỷ USD).
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc, cùng với Nhật Bản.
Theo Tập đoàn Cục Điện khí hóa Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, nước này tiên phong ứng dụng robot và công nghệ tự động vào xây dựng đường sắt điện khí hóa. Điều này giúp giảm đáng kể lao động thủ công trong những công đoạn phức tạp như đào đắp, đặt đường ray, xây cầu, hầm và lắp đặt hệ thống báo hiệu.
Theo Thailand Trains
>> Quốc gia Đông Nam Á chi hơn 10 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc 357km nối với Trung Quốc