Chứng khoán

Chủ đầu tư sân bay Long Thành lãi ròng gần 8.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Hải Băng 31/10/2024 15:11

Quý III/2024, ACV chịu khoản lỗ 771 tỷ đồng từ biến động tỷ giá, lãi sau thuế đạt 2.339 tỷ đồng. Nợ xấu của các hãng hàng không tiếp tục tăng cao dù doanh nghiệp đã có nhiều động thái quyết liệt để thu hồi.

Quý III/2024, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận 5.655 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ và lãi gộp 3.612 tỷ đồng (biên lợi nhuận gộp 64%).

Khoản tiền 22.696 tỷ đồng gửi ngân hàng mang lại cho doanh nghiệp 237 tỷ đồng tiền lãi, giảm 45% so với cùng kỳ, mặc dù số tiền gửi chỉ giảm 3.200 tỷ đồng. ACV chịu thiệt hại lớn do biến động tỷ giá. Nếu trong quý III/2023, tỷ giá mang lại 479 tỷ đồng lợi nhuận thì đến quý III/2024, công ty phải chịu khoản lỗ 771 tỷ đồng.

Doanh thu tăng cao nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 68% so với cùng kỳ, còn 296 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí khác và thuế, ACV lãi ròng 2.339 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 16.884 tỷ đồng doanh thu và 8.488 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 13% và 21% so với cùng kỳ.

ACV giảm lãi do biến động tỷ giá, khoản nợ xấu của các hãng hàng không tăng lên 8.844 tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của ACV là 73.528 tỷ đồng, tăng 6.181 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 27.242 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản. Chi phí xây dựng dở dang là 14.498 tỷ đồng, doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực cho các dự án sân bay Long Thành (9.520 tỷ đồng) và nhà ga hành khách T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (3.718 tỷ đồng).

Đáng chú ý, ACV có khoản phải thu ngắn hạn 8.844 tỷ đồng từ các hãng hàng không, nằm trong nhóm nợ xấu, tăng 3.152 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 3.948 tỷ đồng, trong đó khoản nợ xấu của Bamboo Airways có giá gốc 2.340 tỷ đồng đã được trích lập toàn bộ.

Vào cuối tháng 2/2024, ACV có gửi văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước báo cáo về một số công tác cần triển khai nhằm thu hồi công nợ từ các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Công ty đã xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện và dừng cung cấp dịch vụ đối với các hãng bay vi phạm, bao gồm: không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; phát sinh công nợ mới trong năm 2023; và có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ACV đạt 57.088 tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận lũy kế chưa phân phối 29.215 tỷ đồng. Nợ phải trả là 16.173 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 10.315 tỷ đồng. Nếu trừ đi lượng tiền đang nắm giữ, công ty không có nợ vay ròng.

ACV do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sở hữu 95,4% cổ phần. Công ty hiện đang quản lý, đầu tư và khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ; và 13 cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.

>> ACV: Hơn 8.200 tỷ đồng nợ xấu 'che mờ' động lực tăng trưởng, khoản nợ lớn của Bamboo Airways không thể thu hồi?

911 công ty niêm yết đã công bố KQKD quý III/2024, lợi nhuận nhóm VN30 tăng 20,2%

Cổ phiếu ngân hàng lên ngôi, VN-Index tăng 6 điểm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/acv-giam-lai-do-bien-dong-ty-gia-khoan-no-xau-cua-cac-hang-hang-khong-tang-len-8844-ty-dong-257243.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chủ đầu tư sân bay Long Thành lãi ròng gần 8.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH