Bên cạnh việc thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án chia cổ tức, phần trả lời thắc mắc của lãnh đạo MBBank (MBB) dành cho cổ đông cũng nhận được sự quan tâm lớn tại ĐHCĐ vừa kết thúc.
Sáng ngày 19/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank ) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Địa điểm được lựa chọn năm nay là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, số 57 Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Bên cạnh việc thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án chia cổ tức, phần trả lời thắc mắc của lãnh đạo MBBank (MBB) dành cho cổ đông cũng nhận được sự quan tâm lớn.
>> Cổ đông nô nức đi họp ĐHCĐ MBBank (MBB), tiếp tục được tri ân 'tiền ăn trưa' 
Thời điểm 10h30 khi Đại hội bắt đầu bước vào phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi: "Giai đoạn 5 năm 2019-2024, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngân hàng đạt mức cao (khoảng 23-25%) nhưng kỳ tiếp theo (2025-2029) bình quân chỉ có 15%, tại sao có sự chênh lệch như vậy?".
Cổ đông đặt câu hỏi tại Đại hội MBBank sáng 19/4/2024 |
Trả lời, Chủ tịch HĐQT MBBank - ông Lưu Trung Thái cho biết: "Giai đoạn 2019-2024, toàn thị trường tăng trưởng bình quân một năm từ 13-15%. Với MBBank, nhờ tận dụng room tín dụng hiệu quả, năm 2023 chúng ta tăng trưởng 28%.
Tuy nhiên cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, HĐQT căn cứ vào tình hình thực tế, MBBank dự kiến tăng trưởng trên 15% nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt và được giao phó chuyển giao ngân hàng “0 đồng”. Cụ thể, nếu nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng Oceanbank, MBBank dự kiến con số tăng trưởng thực sẽ vượt mức trên. Ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung tới cổ đông khi có Quyết định của Chính phủ và NHNN.
Mặc dù đặt mục tiêu thận trọng nhưng ngân hàng cũng sẽ tận dụng cơ hội để bứt phá nếu có".
Giải đáp thắc mắc về mũi nhọn dự kiến tạo nên đột phá cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong 5 năm tới, ông Thái chia sẻ: "Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung cho chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng hai nền tảng kinh doanh quan trọng trên kênh số để phục vụ đông đảo khách hàng hơn.
MBBank sẽ chú trọng tăng khả năng cho vay trên tệp khách hàng số, hiện số lượng xấp xỉ 15 triệu khách hàng hoạt động (hiện mới cho vay được khoảng 500.000 khách hàng). Mcredit cho vay khoảng 2 triệu khách hàng, dung lượng khách hàng có thể khai thác/quy mô cho vay còn rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ và củng cố công ty thành viên để phục vụ cho mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Song song với việc kiểm soát NIM cho vay, để duy trì lợi nhuận, MBBank đặt mục tiêu phấn đấu giảm 1-1,5% chi phí. Ngoài ra, ngân hàng cũng chú trọng duy trì lợi thế về giá vốn và CASA".
Theo chia sẻ của lãnh đạo, doanh thu quý I/2024 của MBBank đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận gần 5.800 tỷ.
Liên quan đến câu chuyện đầu tư ra nước ngoài, Chủ tịch Lưu Trung Thái thông tin: "MBBank đang thử nghiệm kinh doanh tại Campuchia sau khi đã hiện diện tại Lào. Hiện nay chúng tôi đang chuyển đổi pháp lý để ứng dụng các mô hình kinh doanh mới tại Campuchia, chủ yếu là kinh doanh số. Nếu thành công, chúng tôi sẽ áp dụng đầu tư vào các nước khác".
Khi được hỏi về việc có ghi nhận dư nợ cho vay tổ chức tín dụng với SCB, người đứng đầu MBBank nhấn mạnh: “Chúng tôi không cho vay đối với SCB”.
Đối với ý kiến về vấn đề “còn triển khai các dự án dành cho người khuyết tật không?”, ông Thái nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn duy trì các dự án, không có sự gián đoạn. Hàng năm, ngân hàng đều dành 2-2,5% lợi nhuận cho công tác an sinh xã hội".
>> CEO MBBank lên tiếng về cam kết giải ngân 10.000 tỷ đồng cho NovaWorld Phan Thiết của Novaland (NVL)