Chủ tịch "vạn người mê" Trần Hùng Huy nhận thù lao bao nhiêu tại ACB?
Báo cáo tài chính quý 3/2024 của Ngân hàng Á Châu (ACB) không công bố thu nhập cũng như thù lao của Ban Lãnh đạo và HĐQT. Dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy, đến cuối tháng 9/2024, lợi nhuận ngân hàng này tăng nhẹ, trong khi đó tổng nợ xấu tăng lên 8.274 tỷ đồng, với khoản nợ có khả năng mất vốn tăng 55%, lên 6.064 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng, nợ xấu đi lên
Trong báo cáo tài chính quý 3/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB ) cho thấy thu nhập lãi thuần - nguồn thu chủ yếu của ngân hàng này - đạt mức 6.881 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các khoản thu ngoài lãi của ACB lại có sự biến động trái chiều. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 2%, còn 707 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cũng giảm mạnh lần lượt 47% và 94% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 166 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ACB báo cáo mức tăng 6% so với cùng kỳ năm trước từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, đạt 71 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong kỳ đạt 5.202 tỷ đồng, giảm 6,3% so với quý 3 năm trước. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 368 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 4.844 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, nhờ mức lợi nhuận gần 5.600 tỷ đồng trong quý 2/2024 - con số cao nhất theo quý từ trước đến nay - ACB vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận đạt 15.334 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 70% kế hoạch năm là 22.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 777.392 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm từ 18.504 tỷ đồng xuống còn 8.392 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 36% xuống 92.090 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 554.908 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm, trong khi tiền gửi khách hàng cũng tăng 6,1%, đạt 512.124 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại ACB tính đến cuối tháng 9/2024 đã tăng lên 8.274 tỷ đồng, với khoản nợ có khả năng mất vốn tăng 55%, lên 6.064 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,22% lên 1,5%.
Báo cáo tài chính quý 3/2024 của ACB không thể hiện thù lao và thu nhập của Ban Lãnh đạo và HDDQT ngân hàng.
Trước đó, ngày 19/9, ACB đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo đó, ACB bị phạt 60 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
Đồng thời, ACB bị phạt 27,5 triệu đồng đối với hành vi không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Ban điều hành thành mục tiêu trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên.
Như vậy, tổng số tiền ACB bị phạt là 87,5 triệu đồng. ACB cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt theo quyết định trên.
Được biết, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, thù lao HĐQT của ACB tăng mạnh 27% so cùng kỳ, lên mức 23,3 tỷ đồng. Ngược lại, thù lao Ban Tổng giám đốc lại giảm mạnh 42% về còn 42,8 tỷ đồng. Ban Kiểm soát nhích nhẹ lên 6,6 tỷ đồng.
Trong đó, Chủ tịch Trần Hùng Huy nhận thù lao hơn 4,2 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2024, còn Tổng Giám đốc nhận tiền lương 5,6 tỷ đồng.
Chân dung 5 cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần ACB
Đến ngày 10/9/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ghi nhận thêm 5 cổ đông mới nắm giữ 6,774% vốn điều lệ. Trong số này có ba cổ đông là tổ chức, gồm: CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen, CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh, và CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương.
Tháng 6/2023, tại gala kỷ niệm 30 năm thành lập ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy gây sốt và được gọi là “tổng tài vạn người mê” khi vừa đàn, hát, nhảy trình diễn ca khúc “Always Remember Us This Way” và “Cô đơn trên sofa”.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen hiện sở hữu gần 80,3 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 1,798% vốn điều lệ. Các bên liên quan với cổ đông này nắm giữ thêm 228,1 triệu cổ phần, nâng tổng sở hữu liên quan lên 5,107%.
CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh sở hữu 55,9 triệu cổ phiếu, chiếm 1,252% vốn điều lệ. Đối với cổ phần của các bên liên quan đến cổ đông này, tổng sở hữu lên tới hơn 250,2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5,609% vốn điều lệ.
CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương nắm giữ 58,57 triệu cổ phiếu, chiếm 1,311% vốn điều lệ. Các bên liên quan sở hữu thêm 107,75 triệu cổ phiếu, chiếm 2,412% vốn.
Bên cạnh đó, hai cổ đông cá nhân cũng gia nhập danh sách cổ đông lớn. Bà Nguyễn Thiên Hương JENNY sở hữu hơn 60 triệu cổ phiếu, chiếm 1,344% vốn điều lệ, trong khi các bên liên quan đến bà nắm giữ trên 113,8 triệu cổ phiếu, chiếm 2,548% vốn. Ông Nguyễn Đức Hiếu JONNY sở hữu hơn 47,73 triệu cổ phiếu, chiếm 1,069% vốn, với các bên liên quan nắm giữ 126 triệu cổ phiếu, tương đương 2,823% vốn điều lệ.
Trước đó, vào ngày 30/7, ACB đã công bố danh sách các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Nổi bật trong đó là bà Đặng Thu Thủy, thành viên Hội đồng quản trị, nắm giữ hơn 53,35 triệu cổ phiếu (1,194% vốn), với các bên liên quan của bà sở hữu thêm hơn 467 triệu cổ phiếu, chiếm 10,457%.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT, sở hữu 153 triệu cổ phiếu, chiếm 3,427% vốn điều lệ. Người liên quan đến ông Huy nắm giữ thêm hơn 367 triệu cổ phiếu, chiếm 8,218% vốn điều lệ.
Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức đáng chú ý tại ACB bao gồm Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam, nắm giữ hơn 69,46 triệu cổ phiếu (1,555% vốn điều lệ), và SMALLCAP World Fund, Inc với hơn 112 triệu cổ phiếu (2,51%). Broadwalk South Limited và VOF FE Holding 5 Limited lần lượt nắm giữ gần 82,3 triệu cổ phiếu (1,842%) và hơn 76,6 triệu cổ phiếu (1,715%).