Chưa đầy 5 năm nữa, tỉnh sở hữu vịnh biển đẹp nhất thế giới sẽ lên TP trực thuộc Trung ương
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh sở hữu vịnh biển đẹp nhất thế giới tại Việt Nam đã đạt 4/6 tiêu chí để có thể "cất cánh" lên TP trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tại Hội thảo khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030", nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận.
Theo đó, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch quan trọng, làm cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương đã gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng cân bằng, đa dạng các động lực tăng trưởng và từng bước trở thành một cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 8,86%/năm (mục tiêu đạt 7,1%/năm).
Dựa trên cơ sở luận giải, đánh giá, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đề xuất kiến nghị và giải pháp thiết thực có tính thực tiễn cao. Nổi bật, là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho phát triển tỉnh Khánh Hòa theo hướng bao trùm và bền vững.
Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Khánh Hòa đã đạt các tiêu chuẩn của TP trực thuộc Trung ương như quy mô dân số hơn 1,26 triệu người/ tiêu chuẩn 1 triệu người; diện tích gần 5.200km2/ tiêu chuẩn là 1.500km2. Riêng tiêu chí đô thị loại I chưa đạt.
Đối với tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa hiện mới đạt 4/6 tiêu chí gồm: Cân đối thu chi ngân sách; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Còn 02 tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người/tháng cao gấp 1,75 lần so với trung bình cả nước và Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành đạt 90%.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I - TP trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 thành phố là Nha Trang và Cam Lâm; 2 thị xã là Diên Khánh và Vạn Ninh; 3 huyện là: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa; 2 quận là Ninh Hòa và Cam Ranh. Địa phương cần khoảng 1,2 triệu tỷ đồng đầu tư phát triển, trong đó, ngân sách chỉ khoảng 10%, số còn lại là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, yếu.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 100/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo như quyết định này, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Khánh Hòa là 8,3% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh này dự kiến nhu cầu vốn đến năm 2030 cần khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn khu vực Nhà nước là 153.000 tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước 661.000 tỷ đồng và nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 204.000 tỷ đồng.
Nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra, tỉnh Khánh Hòa cần huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương và Trung ương.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn qua từng giai đoạn, ưu tiên các công trình trọng điểm mang tính kết nối và tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, nhằm thúc đẩy liên kết vùng.
Tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác các dự án giao thông quan trọng đang triển khai, bao gồm các tuyến cao tốc và đường liên vùng. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) nhằm bổ sung trục kết nối Đông - Tây giữa tỉnh với khu vực Tây Nguyên.
Dự án này không những giúp cải thiện khả năng giao thương mà còn tạo điều kiện huy động các nguồn lực, khẳng định vai trò của Khánh Hòa như một trung tâm kinh tế biển và cửa ngõ chiến lược ra biển Đông. Đồng thời, tỉnh sẽ là trung tâm kết nối giữa Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng trong nước và quốc tế.
Theo danh mục 83 dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện đến năm 2030, có 9 dự án do Trung ương đầu tư tại Khánh Hòa. Những dự án tiêu biểu bao gồm: đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM - Nha Trang, nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương.
Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam giáp với tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Bờ biển Khánh Hòa dài 385km - dài nhất Việt Nam với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, nhiều đảo và vùng biển rộng lớn.
Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) cùng với Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) và Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được xem là 3 "thiên đường" vịnh biển của Việt Nam, nằm trong danh sách Câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới" (Club of the Most Beautiful Bays of the World - Worldbays).
Những vịnh thành viên phải đáp ứng các tiêu chí gồm: Có một môi trường sinh thái với động vật và thực vật thú vị; Có vẻ đẹp tự nhiên và hấp dẫn; Được biết và đánh giá tại cấp quốc gia; Biểu tượng cho cư dân địa phương; Sở hữu nguồn kinh tế tiềm năng.
Đồng thời vịnh cũng phải đáp ứng được 2 tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong lãnh vực văn hóa và thiên nhiên.
Ngoài ra, sự kiện Festival Biển Nha Trang 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao kỷ lục địa phương có nhiều vịnh đẹp và nổi tiếng nhất của Việt Nam đối với tỉnh Khánh Hòa, gồm: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh.
>> Thành phố trẻ 20 ngày tuổi thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng ghi dấu mốc đặc biệt