Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ của Việt Nam, 'thỏi nam châm' thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó Nhật Bản đã 3 lần "đánh tiếng", Trung Quốc 2 lần ngỏ ý muốn hợp tác.
Được xem là công trình thế kỷ, sức bật cho nền kinh tế Việt Nam khi bước vào "kỷ nguyên vươn mình", Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tháng 12/2024, tại buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, phía Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đến Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, cam kết sẽ tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp có thể góp mặt vào dự án này của Việt Nam.
Trong khi trước đó vào tháng 3/2024, tại buổi làm việc giữa Bộ Tài chính hai nước Việt Nam và Nhật Bản, đại diện Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết sẽ cung ứng vốn vào Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tại buổi làm việc giữa Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki và Bộ trưởng GTVT diễn ra vào tháng 6/2024, đại diện phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn đang rất quan tâm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam .
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc hiện cũng đang là "ông lớn" mong muốn góp mặt trong dự án này khi 2 lần "ngỏ ý" với Việt Nam.
Cụ thể tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Hồng Hà vào ngày 28/8/2024, ông Wang Hai Huai - Tổng Giám đốc của Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đã ngỏ ý và bày tỏ hiện đơn vị này đang theo sát các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, những dự án hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc - Việt Nam, những tuyến Metro tại Hà Nội và TP. HCM.
Tháng 11/2024, tại TP. Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Đới Hòa Căn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
Tại buổi gặp gỡ này, CRCC - Tập đoàn xây dựng đường sắt hàng đầu Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn được tham gia vào Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cũng như những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam.
Tháng 11/2024, chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ thông qua.
Với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, kết nối 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP. HCM.
Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển giữa 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM sẽ được rút ngắn từ hơn 30 giờ xuống chỉ còn 6 giờ, nếu tốc độ thiết kế là 350km/h.
Một trong những dấu mốc tiếp theo của "siêu dự án" này là mới đây, theo Thông báo số 07/TB- VPCP của Văn phòng Chính phủ, ngày 8/1/2025 tại Phiên họp lần thứ ba, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án Chủ trương đầu tư Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, việc đầu tiên mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải khẩn trương hoàn thành ngay trong tháng 1/2025 là trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo như thông báo, Bộ GTVT có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành việc trình Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam ngay trong tháng 1/2025 .
Mục tiêu của việc triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao mà còn để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực thiết kế, thi công, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt tốc độ cao hiệu quả và an toàn.
Chính phủ nhấn mạnh một trong số nội dung công việc cấp bách hiện nay đối với Bộ GTVT chính là việc phải chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan, khẩn trương rà soát và xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực gồm: Số lượng, trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo...
Liên quan đến công tác đào tạo nhân lực cho các dự án trọng điểm của quốc gia trong tương lai, cuối tháng 12/2024, Đại học Xây dựng Hà Nội đã khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị.
Theo chia sẻ của PGS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chương trình này được thiết kế với giáo trình hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Điều này góp phần giúp học viên nắm vững kiến thức chuyên môn cũng như trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án thực tế sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex khẳng định con người chính là tài sản và sức mạnh đối với các doanh nghiệp, việc đào tạo nguồn nhân lực giúp đón đầu các cơ hội từ những dự án hạ tầng giao thông lớn.
Đề xuất thu phí trên 6 đoạn cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư 
Phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam