Chưa từng có trong lịch sử: Số lượng ứng cử viên nữ tranh cử vào Hạ viện Nhật Bản đạt mức kỷ lục
Nhật Bản đang đứng trước cơ hội xóa bỏ rào cản định kiến và thu hẹp khoảng cách phân biệt nam nữ trong xã hội.
Nhật Bản đang chứng kiến một bước ngoặt trong lịch sử chính trị khi ghi nhận số lượng ứng cử viên nữ kỷ lục trong cuộc tổng tuyển cử Hạ viện sắp tới. Theo thông tin từ Hãng thông tấn Kyodo, có 341 phụ nữ nộp đơn tranh cử, vượt xa con số 229 của năm 2009.
Sự gia tăng đáng kể này được cho là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả Đảng Dân chủ Tự do  (LDP) cầm quyền và Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) đối lập. Tuy nhiên, điều này xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản đang xếp hạng thấp nhất trong nhóm G7 về bình đẳng giới, đứng thứ 118/146 quốc gia trên toàn cầu theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024.
Đáng chú ý, trong số 341 ứng cử viên nữ, có tới 136 người có quan hệ họ hàng với các chính trị gia đương nhiệm hoặc là con cháu của cựu nghị sĩ. Cụ thể, LDP có 97 ứng viên thuộc diện này, chiếm 28,4% tổng số ứng viên của đảng, trong khi CDP - vốn không khuyến khích việc kế vị chính trị - cũng có 27 ứng viên tương tự, chiếm 11,4%. Hiện tượng này phản ánh xu hướng "gia đình trị" vẫn đang tồn tại mạnh mẽ trong hệ thống chính trị Nhật Bản.
Cuộc bầu cử diễn ra ngày 27/10 được xem là cơ hội quan trọng để tân Thủ tướng Shigeru Ishiba  củng cố quyền lực. Ông Ishiba, người vừa đánh bại cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi - một trong số ít nữ chính trị gia nổi tiếng - để trở thành lãnh đạo đảng LDP, đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc duy trì thế đa số của đảng tại Quốc hội.
Theo hai tờ báo uy tín Asahi và Yomiuri, tổng cộng có 1.344 ứng viên đang tranh cử 465 ghế Hạ viện. Chiến dịch vận động tranh cử đã chính thức khởi động từ ngày 15/10, với 314 ứng viên nữ, chiếm 23% tổng số ứng viên. Các nguồn tin cho biết, một trong những lý do khiến số lượng nữ ứng viên tăng kỷ lục là do ông Ishiba khuyến khích họ ra tranh cử thay vì các nghị sĩ vướng bê bối quỹ chính trị liên quan đến LDP thời gian gần đây.
Mặc dù có tiến bộ, tỷ lệ nữ lãnh đạo  trong chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn thấp. Nội các mới của ông Ishiba chỉ có 2 phụ nữ trong tổng số 20 thành viên. Tuy nhiên, LDP đã đặt mục tiêu tham vọng là tăng tỷ lệ ứng viên nữ từ 18% trong năm 2017 lên 35% vào năm sau.
Bà Momoko Nojo, người đứng đầu tổ chức No Youth No Japan - một tổ chức phi lợi nhuận do giới trẻ Nhật Bản thành lập nhằm thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề xã hội và chính trị - đã đưa ra nhận định: "Tại Nhật, các chính đảng vẫn còn thiên về nam giới và không cởi mở, khiến việc tìm kiếm ứng viên nữ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò chính trong việc chăm sóc gia đình, điều này khiến họ khó có thể cân bằng giữa sự nghiệp chính trị và cuộc sống gia đình."
Cuộc bầu cử này không chỉ là cơ hội để tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong chính trường Nhật Bản, mà còn là thử thách đối với các nỗ lực cải thiện bình đẳng giới trong một xã hội vốn còn nhiều rào cản. định kiến từ truyền thống.
Theo Reuters
>> Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á bổ nhiệm nữ CEO đầu tiên trong lịch sử 
Mỹ huy động lính bắn tỉa và UAV để bảo vệ an ninh tại các điểm bầu cử 
Hơn 165 vụ kiện nóng bỏng đang tái định hình cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024