Chứng khoán quốc gia Đông Nam Á lao dốc, đối mặt 'khủng hoảng' thuế quan toàn cầu
Thị trường tài chính Indonesia chứng kiến cú sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, giữa lúc làn sóng bán tháo lan rộng toàn cầu do căng thẳng thuế quan leo thang.
Chỉ số Jakarta Composite Index (JCI) lao dốc tới 9,2% ngay khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ từ ngày 27/3, buộc sàn giao dịch phải tạm ngừng giao dịch trong 30 phút. Đồng rupiah mất giá 1,8% so với đồng USD, tiến sát mức thấp kỷ lục, trong khi thị trường trái phiếu cũng chịu áp lực bán tháo mạnh.
Trong thời gian Indonesia tạm nghỉ giao dịch, các động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, đã gây ra làn sóng tháo chạy khỏi tài sản rủi ro trên toàn châu Á.
Giới đầu tư vốn đã lo ngại về các chính sách mang màu sắc dân túy của Tổng thống Prabowo Subianto và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Trước kỳ nghỉ, chỉ số JCI đã giảm 8% từ đầu năm 2025, còn đồng rupiah là đồng tiền mất giá mạnh nhất khu vực châu Á với mức giảm 2,8% so với USD.

“Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tiêu hóa hàng loạt thay đổi chính sách”, Ari Jahja, Trưởng bộ phận nghiên cứu Indonesia tại Macquarie Capital, nhận định trong một báo cáo. “Tăng trưởng vĩ mô tiếp tục trì trệ. Diễn biến thuế quan có thể buộc Chính phủ phải đẩy nhanh các cải cách cơ cấu và xử lý nguy cơ thâm hụt thương mại”.
Theo thông báo từ Phủ Tổng thống, ông Prabowo dự kiến sẽ có bài phát biểu vào lúc 13h ngày 8/4 (giờ Jakarta) để công bố các biện pháp ứng phó của Chính phủ trước cơn địa chấn thị trường. Một Bộ trưởng cấp cao cho biết cuối tuần qua rằng Indonesia lựa chọn đàm phán thay vì trả đũa.
Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, và mức thuế 32% sắp áp đặt có thể giáng đòn mạnh vào các ngành chủ lực như dệt may, điện tử và dầu cọ. Một phái đoàn từ Jakarta dự kiến sẽ lên đường sang Mỹ trong vài ngày tới để đàm phán về vấn đề thuế quan .
Ngân hàng Trung ương Indonesia mới đây đã can thiệp vào thị trường kỳ hạn ngoại tệ để hỗ trợ đồng rupiah, và cho biết sẵn sàng hành động “mạnh mẽ” trên thị trường trong nước vào ngày 8/4 nhằm bình ổn tỷ giá.
>> Chứng khoán Mỹ chao đảo vì cú sốc thuế quan, Dow Jones biến động kỷ lục trong phiên
Được bơm 5,7 tỷ USD giải cứu, chứng khoán Trung Quốc 'xanh mướt'
Chứng khoán thế giới 8/4: Nikkei 225 tăng vọt hơn 5%, mọi sự chú ý đổ dồn về Trung Quốc