Chứng khoán và 2 câu chuyện đầu tư cần lưu ý sau Tết Nguyên đán 2025
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được sự kỳ vọng lớn, với tâm điểm là khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, những phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán lại là câu chuyện khác.
Thị trường chứng khoán Việt Nam  bước qua năm 2024 với nhiều biến động lớn, kéo theo sự thận trọng của dòng tiền trong nước và áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. VN-Index mở đầu năm với xu hướng tích cực nhưng nhanh chóng điều chỉnh do lo ngại lãi suất toàn cầu chưa thể giảm nhanh như kỳ vọng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 90.000 tỷ đồng trong cả năm, mức cao kỷ lục, gây áp lực lên thị trường.
Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận những điểm sáng khi nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ phục hồi mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, thanh khoản chung giảm đáng kể khi dư nợ margin cao nhưng không thực sự chảy vào thị trường.
Những lo ngại về vĩ mô thế giới, lạm phát, tỷ giá, xung đột địa chính trị... trở thành những rào cản gián tiếp khiến thị trường chứng khoán thất bại trong nỗ lực chinh phục ngưỡng 1.300 điểm. VN-Index kết thúc năm tại 1.265 điểm - thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
VN-Index chưa thể bứt khỏi mốc 1.300 điểm suốt hai năm qua |
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được sự kỳ vọng lớn, với tâm điểm là khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Bà Trần Thị Lan Anh - Giám đốc Khu vực, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có những chia sẻ quan trọng về thị trường trong 12 tháng tới.
Bà có dự báo gì về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025?
Bà Trần Thị Lan Anh : Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay sẽ là một kênh đầu tư rất đáng kỳ vọng.
Thứ nhất, VN-Index vẫn duy trì vùng tích lũy 1.200 – 1.300 trong năm 2024 dưới áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại và lo ngại về tỷ giá. Đây có thể coi là giai đoạn thị trường xây nền giá để chuẩn bị cho một nhịp bứt phá.
Thứ hai, xét theo các chỉ số P/E và P/B, thị trường hiện đang ở mức định giá thấp hơn trung bình 10 năm, tạo ra một môi trường hấp dẫn cho chu kỳ tăng trưởng mới. So với khu vực MSCI Emerging Markets và các quốc gia trong khu vực, chứng khoán Việt Nam có mức định giá vượt trội.
Thứ ba, tôi tin rằng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì, hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm 2025.
Thứ tư, chứng khoán hiện là kênh đầu tư hấp dẫn hơn bất động sản hay vàng. Điều này sẽ thúc đẩy dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường.
Cuối cùng, Chính phủ đang rất quyết tâm nâng hạng thị trường vào năm 2025. Nếu điều này thành hiện thực, dòng vốn ngoại sẽ gia tăng đáng kể. Theo dự báo của FTSE, giá trị dòng vốn có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, với tổng tài sản từ các quỹ chủ động có thể gấp 5 lần so với các quỹ ETF.
Thời điểm nào thị trường có thể bứt phá mạnh? Bà có thể đưa ra một điểm số cụ thể?
Bà Trần Thị Lan Anh : Với những yếu tố tích cực kể trên, tôi cho rằng VN-Index có thể hướng đến vùng 1.400 điểm trong quý III/2025 và đóng cửa năm ở khoảng 1.380 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo tương đối và có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thực tế.
Bà Trần Thị Lan Anh - Giám đốc Khu vực, Công ty Chứng khoán VPBank |
Nhóm ngành nào có thể mang lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư, theo bà?
Bà Trần Thị Lan Anh : Tôi quan tâm đến một số nhóm ngành có tiềm năng lớn:
- Nhóm điện và năng lượng: Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, nhu cầu về điện năng và năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Các công ty trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, điện gió và điện hiệu suất cao sẽ có cơ hội bứt phá.
- Nhóm hàng hóa đặc thù (khoáng sản, phân bón, cao su): Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, điều này có thể tạo điều kiện cho giá cả hàng hóa tăng lên trong thời gian tới.
>> Nhà đầu tư rút 61.000 tỷ đồng khỏi các CTCK để 'ăn Tết' 
- Nhóm xây dựng và đầu tư công: Với quyết tâm giải ngân mạnh trong năm cuối nhiệm kỳ, đầu tư công sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ hưởng lợi lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm.
- Nhóm công nghệ và chuyển đổi số: Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI và Big Data, sẽ tạo cơ hội lớn cho các công ty công nghệ và chuyển đổi số.
- Nhóm bất động sản khu công nghiệp: Làn sóng dịch chuyển nhà máy, công xưởng cũng như dòng vốn FDI khổng lồ vào Việt Nam những năm qua sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2025 và thời gian tới. Việc ngày càng có thêm nhiều "đại bàng" lớn đến làm tổ tại Việt Nam mở ra cơ hội đầu tư và hợp tác tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Sau kỳ nghỉ, thị trường sẽ vận động ra sao trong những phiên đầu năm 2025?
Bà Trần Thị Lan Anh : Trước Tết Nguyên đán, thị trường đã có hai phiên tăng điểm khá mạnh, thường là tín hiệu tích cực cho những phiên đầu năm mới. Tuy nhiên, có hai thông tin quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý:
- Nền tảng AI Deepseek của Trung Quốc ra mắt, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ. Điều này có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
- Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức ngày 20/1/2025, với loạt sắc lệnh kinh tế có hiệu lực ngay lập tức. Một số quốc gia xuất khẩu lớn như Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ đang lo ngại về chính sách thương mại của Mỹ. Việt Nam, với thặng dư thương mại 120 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024, cũng không nằm ngoài rủi ro.
Thực tế, chứng khoán thế giới đang diễn biến không mấy tích cực, đặc biệt từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Vì vậy, tôi cho rằng các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong những phiên giao dịch đầu năm mới, dẫn đến những điều chỉnh ngắn hạn.
Trân trọng cảm ơn bà!
>> Nhận định chứng khoán 3 - 7/2: VN-Index hướng lên 1.280 - 1.300 điểm sau Tết