Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, tự chủ, tự lực, tự cường để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Dư luận quốc tế đặc biệt đánh giá cao sự năng động, mạnh mẽ, tự tin, sâu sắc, tầm chiến lược của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 tại Nga đã chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, hình ảnh sắc nét về một Việt Nam vừa bản lĩnh, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vừa khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hành động góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân. Dư luận quốc tế đặc biệt đánh giá cao sự năng động, mạnh mẽ, tự tin, sâu sắc, tầm chiến lược của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Trưa ngày 25/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 với chủ đề "BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024.
Đây là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Chỉ trong 30 tiếng với khoảng 30 hoạt động liên tục (Thủ tướng rời Kazan ngay sau hoạt động cuối cùng và lên máy bay về nước vào lúc 1h sáng), chuyến công tác tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo BRICS mở rộng và làm việc tại Nga của Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp cả về đa phương và song phương.
THÔNG ĐIỆP VỀ TRÁCH NHIỆM, HỢP TÁC VÀ VỊ THẾ ĐẤT NƯỚC
Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng có sự tham dự của hơn 40 lãnh đạo, đại diện các nước thành viên BRICS và khách mời, trong đó có đại diện của các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu với những thông điệp quan trọng, tư duy chiến lược trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và bài học phát triển của Việt Nam, phù hợp mục tiêu và trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị là tăng cường hợp tác vì một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân.
Theo Thủ tướng, thế giới đang chuyển mình vào kỷ nguyên của kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Nhưng nhân loại phải đối diện nhiều thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, bất ổn địa chính trị, sự gia tăng xung đột, bất bình đẳng và chia rẽ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện, các nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm và ứng xử có nguyên tắc để có hoà bình, hợp tác và phát triển, hóa giải thách thức, chuyển cơ hội, tiềm năng thành các động lực mới phục vụ phát triển.
Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất năm kết nối chiến lược.
Một là, kết nối nguồn lực, theo đó BRICS cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh thông tin.
Hai là, kết nối hạ tầng chiến lược, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, không chỉ qua đường sắt, đường bộ, hàng không, cảng biển mà qua cả mạng lưới hạ tầng số, chia sẻ kết nối dữ liệu, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử và nền kinh tế số toàn cầu.
Ba là, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển cho mọi quốc gia.
Bốn là, kết nối con người với con người thông qua hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân giữa BRICS và các nước để xây dựng một không gian văn hóa "thống nhất trong đa dạng"; nơi mà các giá trị khác biệt được tôn trọng, điểm tương đồng được nhân lên, nơi vẻ đẹp của tình hữu nghị và hợp tác được nuôi trồng, vun đắp; như đại văn hào Nga Dostoevsky nhấn mạnh "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới".
Năm là, kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững. BRICS cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống lại xu hướng bảo hộ và chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 03 quan điểm lớn.
Một là, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hai là, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Ba là, chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Trên tinh thần thúc đẩy hoà bình, đối thoại, hợp tác, trích dẫn câu văn của đại thi hào Nga Marxim Gorky rằng "Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người vĩ đại và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ thực sự", Thủ tướng Chính phủ tin tưởng BRICS sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việc Việt Nam tham dự Hội nghị BRICS mở rộng, cùng thảo luận với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới về những vấn đề đang đặt ra để đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp, cùng với việc tham gia, đóng góp tích cực tại Liên Hợp Quốc, ASEAN, các cơ chế APEC, G7, G20… và nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế toàn cầu, đã thể hiện rõ tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam, khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với nhận định sâu sắc về kỷ nguyên mới của nhân loại, đề cao tinh thần hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng "cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" cho tất cả mọi người dân.
Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đã chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, hình ảnh sắc nét về một Việt Nam bản lĩnh, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đang trên đà vươn mình phát triển kinh tế-xã hội năng động, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Các nhận định, cách tiếp cận và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo và đại biểu các nước hoan nghênh, đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của Hội nghị. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những giá trị truyền thống, những giá trị chung, mang tính nền tảng; cho rằng Thủ tướng đã đề cập nhiều chủ đề rất quan trọng, đang được các nước hết sức quan tâm hiện nay.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC SÂU RỘNG, THỰC CHẤT VỚI CÁC ĐỐI TÁC
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có gần 30 hoạt động tiếp xúc song phương với Nga và gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều Lãnh đạo các nước thành viên BRICS, khách mời tham dự Hội nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ mọi mặt với các nước, các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Với nước chủ nhà Liên bang Nga, Chủ tịch BRICS năm 2024, đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, diễn ra tại thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025.
Cùng với các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước thời gian qua, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định tình bạn thủy chung Việt Nam - Nga, góp phần tạo xung lực cho hợp tác song phương, thúc đẩy, mở ra các cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiếp Phó Thủ tướng Alexander Novak cùng nhiều Bộ trưởng, lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và tập đoàn dầu khí Zarubezhneft.
Lãnh đạo hai bên đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác sâu rộng, thực chất nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Lãnh đạo cấp cao hai nước tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời, son sắt đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dầy công vun đắp, là nền tảng quan trọng giúp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, mong muốn làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, phù hợp với lợi ích của hai bên, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Hai bên trao đổi sâu rộng về định hướng phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực. Về chính trị-ngoại giao, tiếp tục đẩy mạnh tin cậy chính trị thông qua tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Về kinh tế-thương mại, hai bên thông qua Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Nga đến năm 2030, nhất trí nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, cùng khai thác tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại song phương, tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng, năng lượng.
Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giáo dục- đào tạo, văn hóa và du lịch…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác năng lượng-dầu khí, một trong những trụ cột của quan hệ Việt - Nga; ghi nhận những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực hợp tác quan trọng này, nhất trí tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí hai nước tại Việt Nam và Liên bang Nga. Hai Bên mong muốn thúc đẩy thêm các dự án hợp tác năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển tại mỗi nước, phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hiện nay. Trước mắt, hai Bên nhất trí tập trung và tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho Việt Nam.
Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị và có bài phát biểu ý nghĩa và sâu sắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại những kỷ niệm ấn tượng về chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam rất thành công vào tháng 6 vừa qua. Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các thỏa thuận đạt được giữa hai nước, cũng như tìm giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong hợp tác.
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; ủng hộ hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Với lãnh đạo các nước thành viên BRICS, các khách mời tham dự Hội nghị, Thủ tướng đã có các cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksander Lukashenko, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, Tổng thống Cộng hoà Congo Denis Sassou Nguesso, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước Cuba, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Arab Saudi, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Á - Âu (EAEU) Bakytzhan Sagintayev.
Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ mọi mặt với Việt Nam. Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ mong muốn tham khảo, học tập kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo trao đổi về hợp tác song phương, thống nhất được một số cơ chế, các định hướng, ưu tiên thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các nước nhất trí ưu tiên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; khẳng định quyết tâm cùng nhau mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, lao động, khoa học-công nghệ, văn hoá, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Tại cuộc gặp ngắn với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đánh giá cao quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển, bước sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn", Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu.
Bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển, ngày càng thực chất, hiệu quả của quan hệ Trung-Việt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược không ngừng đi vào chiều sâu.
Tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Lào cao nhất trong điều kiện có thể để giúp Lào vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai nước đẩy mạnh triển khai các dự án lớn về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam- Lào, cũng như kết nối ba nền kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại.
Hai nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định tiếp tục củng cố tình đoàn kết, gắn bó Việt Nam-Lào-Campuchia; nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để lan tỏa tình đoàn kết giữa ba dân tộc, ba Đảng, ba nước; khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, coi đây là tài sản vô giá, ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước, cần gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế để rà soát, đôn đốc thực hiện các thỏa thuận, cam kết; triển khai các biện pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong hợp tác; nghiên cứu, đề xuất các lĩnh vực, biện pháp hợp tác mới phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các bên và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Kết quả tham dự Hội nghị BRICS mở rộng, hội đàm với Tổng thống Nga Putin và các hoạt động song phương của Thủ tướng Chính phủ với các nước, tổ chức quốc tế trong dịp này một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; góp phần tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, nâng cao vị thế của đất nước, huy động tối đa các nguồn lực quốc tế để phục vụ phát triển.
Với tâm thế của ngoại giao thời đại mới là tăng cường đóng góp, nỗ lực hết mình vì hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung, chuyến công tác tiếp tục minh chứng cho khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, từ một quốc gia trải qua biết bao đau thương, mất mát, khó khăn, nay đang tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh trên thế giới./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Putin: Thúc đẩy hợp tác năng lượng 
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các nước và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc