Chuyên gia chỉ ra thời điểm vàng để nhà đầu tư dài hạn bắt đầu ‘bắt đáy’
Thị trường chao đảo giữa loạt tín hiệu suy thoái, nhưng với nhiều nhà đầu tư, vùng 5.000 điểm của S&P 500 lại mở ra cơ hội xuống tiền.
Theo đối tác John Flood của Goldman Sachs , chỉ số S&P 500 đã giảm xuống mức đủ hấp dẫn để nhà đầu tư dài hạn quay trở lại mua vào.
Thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang tiệm cận vùng thị trường giá xuống (bear market) sau khi mất gần 19% kể từ đỉnh thiết lập hồi tháng 2.
Chỉ số chuẩn này lần đầu tiên trong gần 1 năm đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 vào hôm 8/4, sau khi chính quyền Mỹ áp thuế đáp trả lên các đối tác thương mại – động thái làm gia tăng lo ngại suy thoái.
Chuyên gia Flood bình luận: “Từ các cuộc trao đổi với nhà đầu tư dài hạn, tôi cảm nhận rằng họ sẽ bắt đầu mua vào khi S&P 500 về mức 5.000 và sẽ mạnh tay hơn nếu chỉ số lùi sâu xuống vùng 4.000 điểm”.
Dẫn lại số liệu lịch sử, Flood cho biết trong 12 cuộc suy thoái kể từ Thế chiến II, mức giảm trung bình của S&P 500 từ đỉnh là khoảng 24%. Với đỉnh gần nhất là 6.144 điểm vào ngày 19/2, điều này đồng nghĩa chỉ số có thể rơi về quanh mốc 4.600.

Tín hiệu cảnh báo từ thị trường
Theo Ed Yardeni – nhà sáng lập Yardeni Research, đà bán tháo cũng đang tạo thêm áp lực lên Tổng thống Donald Trump trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
Ông cảnh báo: “Thị trường chứng khoán và trái phiếu đang phát tín hiệu rằng chính quyền ông Trump đang đùa với thuốc nổ. Nếu căng thẳng do chiến tranh thương mại gây ra tiếp tục leo thang, thị trường tài chính có thể sẽ chịu một cú sốc lớn và S&P 500 sẽ chính thức rơi vào thị trường giá xuống”.
Dù vậy, Yardeni cho rằng một điểm sáng có thể đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm can thiệp nếu thị trường lao dốc.
“Chiếc phao ‘Fed Put’ có lẽ sẽ sớm được tung ra”, ông nói, nhưng đồng thời lưu ý rằng thị trường sẽ khó phục hồi trọn vẹn nếu chính quyền Mỹ không nhanh chóng đàm phán lại các thỏa thuận thương mại.
Được biết “Fed put” là thuật ngữ chỉ hành động hỗ trợ thị trường chứng khoán khi lao dốc.
Trong khi đó, Flood nhấn mạnh thanh khoản ngắn hạn trên thị trường hợp đồng tương lai tại Mỹ đang ở mức yếu nhất so với khối lượng giao dịch – yếu tố khiến biến động gia tăng. Ông cảnh báo rằng các đợt tăng sốc như hôm 8/4 có thể còn lặp lại nếu chính quyền Mỹ không thay đổi chính sách thương mại.
“Những cú bật mạnh trong phiên nên được xem là cơ hội chốt lời, ít nhất là cho đến khi thị trường tin rằng có sự thay đổi chính sách thực sự từ chính quyền hiện tại”, ông nói.
>> Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, ông Trump khuyên: 'Bình tĩnh nào! Đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào'