Chuyên gia: Cuộc chiến tìm kiếm AI thông minh hơn con người có thể là 'cuộc đua tự sát'
Nhà khoa học AI nổi tiếng Max Tegmark cho rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) đang gần hơn chúng ta nghĩ và cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc xây dựng AI thông minh nhất là một "cuộc đua tự sát".
Các ứng dụng như ChatGPT đã trở nên rất phổ biến, cho phép người dùng nhập câu hỏi để nhận câu trả lời từ chatbot. Tuy nhiên, nhiều công ty AI đang chạy đua để phát triển thế hệ AI tiếp theo - AGI với trí thông minh thậm chí còn vượt trội hơn cả con người.
Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI, đã cho biết AGI có thể được đạt được vào năm 2025. Mặc dù có những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cũng cho rằng AGI đang đến gần, nhưng nhiều người khác lại cho rằng AGI thực sự còn rất xa.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia trong ngành, cuộc đua của Trung Quốc trong việc phát triển AGI có thể giúp nước này vượt qua Mỹ, nhưng công nghệ đột phá này cũng có thể gây ra những hệ lụy khủng khiếp.
Tegmark, chủ tịch của Viện Tương lai Sự sống, là một trong những người ký thư ngỏ vào năm ngoái kêu gọi các phòng thí nghiệm AI tạm ngừng phát triển các hệ thống AI tiên tiến. Lá thư này đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghệ, bao gồm cả CEO Tesla Elon Musk.
Mối lo ngại của Tegmark là AI đang phát triển nhanh chóng với rất ít biện pháp kiểm soát, và không có cách nào để kiểm soát nếu nó bắt đầu vượt qua trí tuệ con người.
"Chúng ta đang gần xây dựng AGI hơn là tìm ra cách kiểm soát nó. Và điều đó có nghĩa là cuộc đua AGI không phải là cuộc đua vũ khí, mà là cuộc đua tự sát", ông nhấn mạnh.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với AI
AI là một ưu tiên chiến lược đối với Chính phủ Trung Quốc. Các công ty lớn nhất của nước này như Alibaba, Huawei và Tencent đã phát triển các mô hình AI riêng, và khả năng của các mô hình này cũng đang ngày càng được nâng cao.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành các quy định liên quan đến nhiều khía cạnh của AI. Tuy nhiên, nước này kiểm duyệt mạng Internet khá nghiêm ngặt và các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi một cách tương tự đối với AGI. Đó sẽ là nỗ lực thúc đẩy đổi mới nhưng vẫn phải đảm bảo cân bằng lợi ích.
Kendra Schaefer, đối tác tại công ty tư vấn Trivium China, nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm ưu thế trong lĩnh vực AGI trong khi tạo ra một cơ chế quản lý công nghệ để hạn chế những gì AGI có thể làm trong nước."
Cuộc chiến Mỹ - Trung
Dù Tegmark cho rằng cuộc đua xây dựng AGI là một "cuộc chiến hy vọng," nhưng địa chính trị vẫn là yếu tố quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc khi nói đến phát triển công nghệ này.
Abishur Prakash, người sáng lập và chiến lược gia tại công ty tư vấn The Geopolitical Business, cho rằng Trung Quốc nhìn nhận AI qua hai lăng kính: sức mạnh địa chính trị và tăng trưởng trong nước. "Với AI, Trung Quốc hy vọng sẽ có thể thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, như việc tạo ra một mô hình xuất khẩu mới. Và song song đó, Trung Quốc muốn thúc đẩy nền kinh tế của mình theo những cách mới".
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ , Mỹ đã theo đuổi chính sách hạn chế quyền tiếp cận công nghệ quan trọng của Trung Quốc, chủ yếu là vi mạch do Nvidia thiết kế, những loại vi mạch cần thiết để huấn luyện các mô hình AI tiên tiến hơn. Đáp lại, Trung Quốc đã cố gắng xây dựng ngành công nghiệp vi mạch nội địa.
Các chuyên gia công nghệ đã cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng khi AGI xuất hiện, với một lý thuyết cho rằng nếu không có các biện pháp kiểm soát, AI có thể tự cải tiến và thiết kế các hệ thống mới một cách độc lập. Max Tegmark tin rằng các rủi ro này sẽ được cả Mỹ và Trung Quốc nhận thức, buộc hai Chính phủ phải xây dựng các quy tắc về an toàn AI.
Ông lạc quan rằng hai quốc gia sẽ đơn phương áp đặt các tiêu chuẩn an toàn quốc gia để ngăn các công ty gây hại và xây dựng AGI không thể kiểm soát. Tegmark dự đoán sẽ có một giai đoạn thú vị, khi Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau tìm cách ngăn chặn các quốc gia khác phát triển AGI một cách nguy hiểm.
Thực tế, các nước cũng đã bắt đầu nỗ lực hợp tác. Năm ngoái, Vương quốc Anh đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI  với sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các quy định về AI vẫn còn phân mảnh: Liên minh châu Âu đã ban hành Đạo luật AI - luật lớn đầu tiên trên thế giới điều chỉnh công nghệ này, Trung Quốc có bộ quy định riêng, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn chưa có các quy định chính thức.
Theo CNBC