Chuyên gia: Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ đã cạn
Trước nhiều quan điểm cho rằng cần tiếp tục hạ lãi suất để kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia khẳng định, dư địa chính sách tiền tệ đã cạn, có giảm cũng không còn quá nhiều tác động.
Lãi suất điều hành đã ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ  sau 4 năm, lãi suất tham chiếu giảm 50 điểm cơ bản, về 4,75 - 5% đã kéo theo làn sóng cắt giảm lãi suất của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) cho các ngân hàng thương mại, từ 2,3% xuống 2%. Trước Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng cắt giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn 3 năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng . Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) giảm lãi suất 0,25% xuống còn 6,25%, bất chấp áp lực lạm phát tăng trở lại.
Tính đến ngày 21/12/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,9% |
Với Việt Nam, trong bối cảnh cơn bão Yagi vừa đi qua, những thiệt hại mà nó mang lại có thể khiến tăng trưởng GDP quý III của cả nước giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6.8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%.
Trước tình hình này, đang có những kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam nên nới lỏng hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang đối mặt nhiều khó khăn, cũng như đi theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trong khu vực về việc cắt giảm lãi suất. Đặc biệt trong bối cảnh tiền đồng đã tăng giá trở lại từ đầu quý 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước càng có thêm điều kiện để xem xét cắt giảm lãi suất mà không quá e ngại rủi ro tỷ giá như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, khi lãi suất điều hành giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận được dòng vốn vay với chi phí rẻ hơn. Từ đó họ sẽ mạnh dạn vay vốn để tái đầu tư, phát triển kinh doanh sản xuất và nền kinh tế sẽ phục hồi, phát triển mạnh hơn dựa trên sự đẩy mạnh đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước. Theo Quyết định 1123/QĐ-NHNN (ngày 16/6/2023), lãi suất tái cấp vốn được ấn định 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 5%/năm.
Do đó, ông Lực nhận định, không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Ngân hàng Nhà nước  đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong năm 2023. Việt Nam đã đi trước, đón đầu, chứ không đợi đến khi Fed giảm lãi suất mới chạy theo. Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế nói vui là “ngược đường, ngược nắng”, nhưng theo tôi, điều này rất phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của nước ta trong năm 2023, đặc biệt là 9 tháng đầu năm nay, khi nền kinh tế gặp nhiều bất lợi”, ông Lực nói.
Tương tự, theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho biết, thực tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã nới lỏng từ năm ngoái và nay muốn nới lỏng thêm nữa là rất khó. Giả sử, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm thì phản ứng của thị trường cũng không đáng kể, có chăng chỉ tác động một chút đến chi phí vốn của các ngân hàng thương mại.
“Trong thời gian còn lại của năm, khi lạm phát ở ngưỡng dự báo khoảng 4% và bản thân nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã hạ lãi suất, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ có thể nói là gần như không còn”, ông Hùng cho biết.
>>Xuất nhập khẩu cả nước giảm mạnh nửa đầu tháng 9/2024: Điều gì đang diễn ra? 
Phải kích thích tài khóa , tăng giải ngân vốn đầu tư công
Mặt khác, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Phải kích thích tài khóa, tăng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa |
Nhà điều hành đã kéo dài thời hạn áp dụng quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024.
Theo đó, các ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc khoản vay của khách hàng gặp khó khăn, trong khi vẫn giữ nguyên các khoản vay này trong cùng nhóm phân loại như trước khi tái cấu trúc.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường ngoại hối và nghiệp vụ thị trường mở, VND sau khi giảm giá 5% so với USD trong nửa đầu năm 2024 đã ổn định trở lại, chỉ giảm khoảng 1,4% so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro về các khoản nợ xấu gia tăng do chu kỳ suy thoái kinh tế đã hạn chế khả năng thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ.
Do đó, ông Hùng đề xuất, nên ưu tiên các biện pháp kích thích tài khóa trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, bởi điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.
Chính phủ tăng chi tiêu sẽ trực tiếp kích cầu nội địa và doanh nghiệp khi nhìn thấy cơ hội sản xuất - kinh doanh sôi động thì sẽ có nhu cầu sử dụng, vay thêm vốn, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
“Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện”, ông Hùng nói.