Chuyên gia: Giảm giá xăng 50%, ông Trump sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái kinh tế ‘tàn khốc’
Chuyên gia cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ mất thị phần nếu chính sách của ông Trump làm giảm giá khí đốt.
Kế hoạch của ông Trump nhằm giảm giá xăng “một nửa hoặc hơn” trong vòng 12 tháng đầu nhiệm kỳ chỉ có thể thực hiện nếu Washington thuyết phục được Saudi Arabia  tăng mạnh nguồn cung dầu, điều sẽ làm suy yếu vị thế dẫn đầu của Mỹ. Bất kỳ lựa chọn nào khác cũng sẽ gây ra một “cuộc suy thoái kinh tế thảm khốc”, ông Bob McNally, Chủ tịch Rapidan Energy Group, cho biết.
“Với mức giá 1,50 USD/gallon, ngành dầu đá phiến của Mỹ – nền tảng cho thế mạnh năng lượng – sẽ sụp đổ”, McNally nhấn mạnh. “Bạn không thể có giá xăng 1,50 USD/gallon mà vẫn duy trì được một ngành dầu đá phiến thịnh vượng”.
Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông nghĩ mức giá 1,87 USD là “lý tưởng” cho một gallon xăng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng  trung bình toàn quốc hôm 30/12 là 3,026 USD/gallon, giảm 16 cent so với tuần trước.
Dỡ bỏ quy định là một trong những trọng tâm chính sách của ông Trump, với lời hứa sẽ để ngành dầu mỏ phát triển mạnh mẽ. Thực tế, năm 2024, các nhà sản xuất dầu Mỹ đã đạt mức kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô.
Dù vậy, McNally lưu ý rằng các thay đổi chính sách chỉ có thể tác động một phần đến giá dầu, vốn chủ yếu được quyết định bởi cung và cầu trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia từng nhận định với Business Insider rằng, dù ông Trump có ý định tốt, các nhà sản xuất Mỹ không hề sốt sắng tăng sản lượng. Hiện nay, sản lượng trong nước đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, trong khi dư thừa nguồn cung trên thị trường toàn cầu khiến giá dầu giảm. Nếu Mỹ tăng mạnh nguồn cung, điều này có thể làm giảm lợi nhuận của ngành.
“Nếu giá dầu giảm, sản lượng dầu của Mỹ có khả năng suy giảm tự nhiên về lâu dài”, ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu tại GasBuddy, nhận định vào tháng 11. “Các công ty dầu mỏ phải chịu trách nhiệm với cổ đông của họ”.
Dự báo, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ tiếp tục chi phối thị trường đến năm 2025. Trong khi đó, McNally cảnh báo về căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, với các diễn biến giữa Israel, phiến quân Houthi và Saudi Arabia có nguy cơ đe dọa nguồn cung dầu thô.
Theo Markets Insider
>> Cảnh báo suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới