Chuyên gia: ‘Lạm phát 2 tháng đầu năm ở mức chấp nhận được’
Chuyên gia đánh giá mức 3,67% vừa đảm bảo được câu chuyện kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ kích thích tăng trưởng.
Lạm phát cao do nhu cầu tăng cao
Theo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) lần lượt tăng 1,04% so với tháng trước, 1,35% so với tháng 12/2023 và 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản ở mức 2,84%.
Lý giải về mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho biết tháng 2 là giai đoạn có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao.
Trong tháng 2/2024, CPI tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. |
Bên cạnh đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho CPI tăng mạnh.
>>Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm tăng 3,67% 
Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 2/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản đạt 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn lạm phát chung (3,67%). Nguyên nhân chủ yếu là giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục dù là yếu tố tác động khiến CPI tăng nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Trong năm nay, Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5%, do đó con số lạm phát trong hai tháng đầu năm vẫn còn cách xa mục tiêu trên.
3 sức ép khiến lạm phát tháng 2 tăng mạnh
Bình luận về con số này, chuyên gia Phan Lê Thành Long, nhà sáng lập và CEO của AFA Group, đánh giá con số 3,67% đối với lạm phát trung bình hai tháng đầu năm là mức chấp nhận được, vừa đảm bảo câu chuyện kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, sức ép từ mức nền lạm phát khá thấp của năm ngoái. Thứ hai, tác động của giá dầu thô trong bối cảnh xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn.
Trong năm nay, Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5%, do đó con số lạm phát trong hai tháng đầu năm vẫn còn cách xa mục tiêu trên |
Và thứ ba là chính sách tiền tệ nới lỏng. Ông Long cho rằng dù các sức ép về nhập khẩu lạm phát từ thế giới đang bớt đi nhưng việc nới lỏng tiền tệ đâu đó cũng tác động lên lạm phát.
Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, gây áp lực nhập khẩu lạm phát và khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngược lại, năm nay sức ép từ bên ngoài đã giảm đáng kể, Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
>>Nhất quán mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô 
Chính vì vậy, mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra khá cao ở mức 4 - 4,5% vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát nhưng cũng tạo không gian để kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, một điểm đáng lo ngại là việc CPI tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1 cho thấy mức lạm phát của tháng 2 khá mạnh. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ bởi rổ hàng hoá CPI cấu phần cho lương thực, thực phẩm khá lớn, không giống như các quốc gia đang phát triển.
"Tháng 2 năm nay cũng bao gồm giai đoạn Tết Nguyên đán nên giá cả hàng hoá vào dịp Tết cũng tăng rất mạnh, từ đó gây áp lực lên lạm phát", ông Long cho hay.
Lạm phát lõi tuy thấp hơn lạm phát chung (3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản nhưng đã có xu hướng tăng dài hạn. Trong tháng 1, lạm phát cơ bản là 2,72% còn tháng tăng lên 2,84%.
Dù vậy, khi xem xét chỉ số tăng trưởng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, vị chuyên gia này đánh giá kiểm soát lạm phát được hỗ trợ bởi sức cầu yếu. Chỉ số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm tăng 6,8%.
"Năm 2023 được đánh giá là năm sức cầu yếu nhưng chỉ số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng gần 10%. Bước sang hai tháng đầu năm nay, dù bao gồm cả giai đoạn Tết Nguyên đán mà chỉ số này chỉ tăng 6,8%, khá yếu so với các năm trước, đặc biệt là so với mức tăng 16 - 17% ở giai đoạn trước COVID-19", chuyên gia nói.
Rõ ràng cầu tiêu dùng trong nước vẫn cần phải cải thiện, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng đang giảm khá mạnh, phản ánh sự vận hành của nền kinh tế. Vì vậy, lạm phát không quá đáng ngại bởi với sức cầu yếu như vậy.
"Xét về mặt tổng thể chỉ số CPI hiện ở mức chấp nhận được, vừa đảm bảo câu chuyện kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ kích thích tăng trưởng", ông Long nhìn nhận.
>> Lạm phát ở châu Âu giảm từ mức đỉnh 10,6% xuống chỉ còn 2,6%
Lạm phát ở Tokyo tăng vọt, mở đường cho Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm 
Nhà kinh tế trưởng của Moody's: Mỹ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát vào cuối năm 2024