Chuyên gia nhận định về 'cú giáng mạnh' vào đồng USD, bước tiến mới của phong trào phi USD hóa
Hệ thống petrodollar suy yếu có thể dẫn đến biến động thị trường tài chính toàn cầu và làm suy yếu vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Theo Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn chính sách có ảnh hưởng lớn ở Mỹ, thỏa thuận petrodollar giữa Mỹ và Saudi Arabia  có thể sắp kết thúc, báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong trật tự tài chính toàn cầu.
Hội đồng cho rằng, khả năng kết thúc thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này sẽ là một đòn giáng mạnh vào vị thế thống trị thị trường dầu mỏ của đồng USD  và thúc đẩy xu hướng phi USD hóa.
Business Insider cho biết, thỏa thuận petrodollar - ra đời vào năm 1974 - quy định rằng Saudi Arabia sẽ sử dụng đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ và đầu tư doanh thu thu được vào trái phiếu Mỹ.
Việc kết thúc thỏa thuận petrodollar kéo dài 5 thập kỷ sẽ làm giảm sự thống trị của đồng USD. Ảnh: BI |
Trong 50 năm qua, thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế thống trị của đồng USD như đồng tiền giao dịch và dự trữ chính của thế giới. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ đảm bảo an ninh và vật tư quân sự cho Saudi Arabia.
Khi tình trạng bất ổn làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ vào những năm 1970, petrodollar trở thành một cách để giữ đồng USD ổn định. Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Sự thống trị kinh tế của Mỹ không còn như trước, với tỷ trọng GDP toàn cầu của nước này giảm từ 40% xuống 25% kể từ năm 1960. Thêm vào đó, sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ của Saudi Arabia cũng giảm đáng kể do sự bùng nổ lớn trong sản xuất nội địa của Mỹ.
Sự xuất hiện của các thị trường thay thế và xu hướng phi USD hóa đang khiến các nền kinh tế dầu mỏ, bao gồm cả Saudi Arabia, phải xem xét lại về hoạt động giao dịch của họ.
Chuyên gia Hung Tran của Hội đồng Đại Tây Dương viết trong báo cáo: “Trung Quốc đã trở thành khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia, chiếm hơn 20% lượng dầu xuất khẩu của nước này. Bắc Kinh đang xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ và thúc đẩy thương mại trên khắp Trung Đông - nơi ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu”.
Bối cảnh này khiến Riyadh xích lại gần hơn với phong trào phi USD hóa, nhằm giảm bớt sự thống trị của đồng bạc xanh trong nền tài chính thế giới.
Ví dụ như việc Saudi Arabia mới đây đã chính thức gia nhập BRICS - nhóm các nền kinh tế đang nổi lên như một trong những tiếng nói hàng đầu chống lại đồng USD.
Ngoài ra, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này cũng hợp tác với Trung Quốc để giúp thiết lập mBridge, một hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.
Ông Hung Tran nhận định, nếu các hệ sinh thái thanh toán như vậy phát triển, đây sẽ là mối đe dọa thực sự đối với tính thanh khoản của trái phiếu Mỹ và gây rủi ro cho vị thế quốc tế của đồng bạc xanh.
Chuyên gia lưu ý thêm: “Trong viễn cảnh này, đồng USD vẫn sẽ phổ biến nhưng không còn thống trị tuyệt đối. Thế giới sẽ hướng đến hệ thống đa tiền tệ hơn - nơi đồng NDT, đồng euro và đồng yên đều có ảnh hưởng tương xứng với vị thế quốc tế của các nền kinh tế này”.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh, cách tiếp cận của Saudi Arabia đối với thỏa thuận petrodollar sẽ là một điềm báo quan trọng về tương lai tài chính sắp tới khi thỏa thuận được tạo ra cách đây 50 năm có thể đang dần đi đến hồi kết.
Siêu cường ‘đảo ngược’: Mỹ đang ‘âm thầm’ vực dậy hàng loạt nền kinh tế châu Âu 
Các NHTW gom vàng bằng mọi giá để thoát khỏi 'cái bóng' của đồng USD