Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia nói vàng sẽ tăng, nhưng giá lại ‘cắm đầu’ giảm: Vì sao?

Chi Hạ 06/04/2025 10:40

Diễn biến của giá vàng trong phiên cuối tuần hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng trước đó của nhiều chuyên gia.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc mạnh, giảm tới 140 USD/ounce chỉ trong thời gian ngắn, xuống sát mốc 3.000 USD/ounce. Cụ thể, giá kim loại quý được neo quanh mức 3.037 USD/ounce, thấp hơn đáng kể so với đỉnh lịch sử vừa thiết lập vài hôm trước.

Chuyên gia nói vàng sẽ tăng, nhưng giá lại ‘cắm đầu’ giảm: Vì sao?
Giá vàng "cắm đầu" giảm

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng trước đó của nhiều chuyên gia, vàng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy bất ổn.

Đáng chú ý, cú giảm sâu diễn ra đúng lúc Trung Quốc và một số quốc gia khác công bố các biện pháp áp thuế trả đũa nhằm vào Mỹ. Theo suy luận thông thường, khi căng thẳng thương mại leo thang, dòng tiền thường đổ vào tài sản an toàn như vàng.

Thực tế đã chứng minh điều này trong phiên 3/4, khi vàng bật tăng lên mức kỷ lục 3.168 USD/ounce ngay sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu của Mỹ với 180 nền kinh tế.

Do đó, nhiều chuyên gia dự báo vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trước sự căng thẳng thương mại lên cao.

Tuy nhiên, thị trường lại không đi theo quỹ đạo dự báo. Sự hỗn loạn do tin tức về chính sách thuế quan của Mỹ, kết hợp với phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc (áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ) đã kích hoạt một hiệu ứng domino trên thị trường.

Thay vì tiếp tục tăng giá, vàng chịu áp lực chốt lời mạnh từ các nhà đầu tư ngắn hạn, đồng thời xuất hiện làn sóng thanh lý hợp đồng từ những vị thế yếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc, khiến nhà đầu tư phải bán vàng để trang trải. Chỉ số Dow Jones giảm sâu sau khi mất 1.679 điểm trong phiên 3/4, còn S&P 500 và Nasdaq cũng ghi nhận mức sụt lần lượt 3,2% và 6% trong phiên giao dịch ngày 4/4.

Điều này cho thấy, ngay cả với vai trò là tài sản trú ẩn, vàng cũng không tránh khỏi những biến động tâm lý mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhẹ của đồng USD cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Mới đây, dữ liệu việc làm tháng 3 của Bộ Lao động Mỹ công bố con số việc làm phi nông nghiệp tăng 228.000, vượt xa dự đoán 140.000.

Dù bị lu mờ bởi căng thẳng địa chính trị, con số tích cực này đã hỗ trợ đồng USD tăng nhẹ sau khi chạm đáy 6 tháng, qua đó gây áp lực lên vàng – vốn thường diễn biến ngược chiều với đồng bạc xanh.

Dù cú rơi của giá vàng là một "cú sốc" lớn với thị trường, giới chuyên gia nhận định đây có thể chỉ là một nhịp điều chỉnh tạm thời chứ không phải dấu hiệu đảo chiều xu hướng hoàn toàn. Các yếu tố hỗ trợ dài hạn cho vàng như lạm phát, bất ổn chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu.

Chia sẻ với Kitco News, ông Chris Zaccarelli – Giám đốc Đầu tư của Northlight Asset Management cho rằng số liệu việc làm khả quan không đủ để xoa dịu tâm lý thị trường, khi thị trường chứng khoán tiếp tục trượt dốc sau thông báo thuế nhập khẩu toàn cầu của Tổng thống Donald Trump.

"Thị trường không còn tập trung vào thị trường việc làm nữa mà đang dồn toàn bộ sự chú ý vào thuế quan và chiến tranh thương mại, khi Mỹ chơi trò 'đấu tay đôi' với phần còn lại của thế giới, có khả năng khởi đầu một vòng xoáy đi xuống dẫn đến suy thoái toàn cầu", ông nhận định.

>> Giá vàng trong nước lao dốc, trượt khỏi đỉnh lịch sử

Giá vàng trong nước lao dốc, trượt khỏi đỉnh lịch sử

Ông Trump áp thuế 'choáng váng', vàng sẽ ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-noi-vang-se-tang-nhung-gia-lai-cam-dau-giam-vi-sao-285875.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia nói vàng sẽ tăng, nhưng giá lại ‘cắm đầu’ giảm: Vì sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH