Chuyên gia: Ông Trump đắc cử có thể khiến kinh tế Đức rơi vào giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử
Nền kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, do đó quốc gia Tây Âu này dễ bị ảnh hưởng đáng kể từ việc áp thuế nhập khẩu vào Mỹ dưới thời chính quyền mới của ông Donald Trump.
Việc tỷ phú Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ 2 trong sự nghiệp  sau nhiệm kỳ đầu tiên (2017 – 2021) có thể là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của Đức.
Đức vẫn đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là 55,52 nghìn USD theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính đến ngày 4/11/2024, chỉ xếp sau Mỹ (86,6 nghìn USD) và Trung Quốc (12,97 nghìn USD).
Đức đã tránh được suy thoái kỹ thuật một cách bất ngờ và trong gang tấc trong quý III/2024, với dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP của nước này tăng 0,2% sau khi giảm 0,3% trong quý trước. Báo cáo ấy được đưa ra sau khi Bộ Kinh tế Đức vào tháng 10 cho biết hiện tại họ đang dự báo nền kinh tế của nước này sẽ suy thoái, thay vì tăng trưởng trong năm nay.
Không chỉ nền kinh tế của quốc gia Tây Âu đang vật lộn để tăng tốc, mà một loạt các chỉ số chính cũng đang vẽ nên một “bức tranh ảm đạm”. Trong đó, Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tổng hợp của Đức tăng nhẹ vào tháng 10, nhưng vẫn ở trong vùng suy thoái, theo dữ liệu từ S&P Global và Hamburg Commercial Bank công bố hôm thứ Tư (6/11).
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua tranh ghế Tổng thống Mỹ năm 2024 với bà Kamala Harris có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Ông Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cho biết trong một lưu ý sau khi tỷ phú Trump tuyên bố thắng cử: “Chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump có khả năng đánh dấu sự khởi đầu của thời điểm kinh tế khó khăn nhất trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức”.
Ông Schularick cho biết: “Ngoài cuộc khủng hoảng cấu trúc trong nước, nước Đức hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chính sách an ninh và thương mại đối ngoại mà chúng tôi chưa chuẩn bị”, đồng thời ông nói thêm rằng các chính sách kinh tế do ông Trump vạch ra sẽ gây thêm áp lực lên tăng trưởng kinh tế trên khắp châu Âu.
Sự phụ thuộc vào xuất khẩu
Nền kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Trump chuẩn bị áp thuế và các hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng hóa Đức khi ông chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 làm Tổng thống vào ngày 20/1/2025.
Cơ quan thống kê Đức Destatis tháng trước cho biết tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại đối với Đức đang tăng lên. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức sau Trung Quốc kể từ năm 2021, nhưng đã vượt qua chính quyền Bắc Kinh trong nửa đầu năm nay.
Theo Destatis, khoảng 9,9% kim ngạch xuất khẩu của Đức là sang Mỹ vào năm 2023 xét về giá trị.
>> Kịch bản "làn sóng đỏ" chờ đợi nước Mỹ sau chiến thắng của ông Trump 
Trước đây, ông Donald Trump đã ám chỉ rằng mình có thể áp dụng mức thuế suất toàn diện từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, nếu ông được bầu làm Tổng thống Mỹ lần thứ 2, bất kể nguồn gốc của chúng.
Do đó, Viện kinh tế ifo cho biết trong một lưu ý vào ngày 6/1 rằng các nhà xuất khẩu Đức hiện có thể phải chịu thiệt hại.
“Các nhà xuất khẩu Đức sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế cơ bản 20% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ tất cả đối tác thương mại”, báo cáo cho biết.
Ifo cho biết thêm: “Những biện pháp này của ông Trump sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể lên tới 33 tỷ euro chỉ tính riêng ở Đức”, đồng thời Viện kinh tế nổi tiếng này ước tính kim ngạch xuất khẩu của Đức sang “xứ sở cờ hoa” có thể giảm khoảng 15% do hậu quả này.
Trong khi đó, Morningstar DBRS xác định ô tô và hóa chất là hai trong số những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi mức thuế quan tiềm tàng của ông Trump khi cả hai ngành này đều là những trụ cột chính của nền công nghiệp Đức.
Bà Lisandra Flach, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Quốc tế ifo, cho biết Đức và Liên minh châu Âu (EU) hiện phải có biện pháp riêng của mình vì họ cần lường trước việc Mỹ sẽ xa rời hợp tác toàn cầu.
“Đức và EU hiện phải củng cố vị thế của mình thông qua các biện pháp của riêng họ, bao gồm hội nhập sâu hơn vào thị trường dịch vụ EU và các biện pháp trả đũa đáng tin cậy đối với Hoa Kỳ”, bà Flach nói.
Phản ứng chính trị của Đức
Cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra vào thời điểm Chính phủ Đức đang trong tình trạng hỗn loạn. Vào thứ Tư (6/11), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính Christian Lindner và liên minh cầm quyền cũng tan rã.
Các chính trị gia cấp cao của Đức bao gồm ông Scholz và ông Lindner cũng đã chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cùng ngày.
Phát biểu với các nhà báo, Thủ tướng Scholz cho biết nước Đức sẽ vẫn là đối tác “đáng tin cậy” của Hoa Kỳ, theo hãng tin CNBC.
Trước khi bị sa thải, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã thể hiện sự cởi mở trong việc hợp tác với ông Trump khi phát biểu trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) rằng châu Âu nên “bắt tay” với chính trị gia Đảng Cộng hòa này.
Ông Lindner cho biết: “Tại EU, NATO và cả Berlin, hiện chúng tôi cần phải thực hiện bài tập về chính sách kinh tế và an ninh của mình cấp bách hơn bao giờ hết”.
Phát biểu với CNBC vào tháng trước, ông Lindner đã cảnh báo rằng chính sách thương mại của Mỹ có thể là một vấn đề nếu ông Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ cuối năm nay.
“Trong trường hợp đó, chúng tôi cần những nỗ lực ngoại giao để thuyết phục bất kỳ ai bước vào Nhà Trắng rằng việc có xung đột thương mại với Liên minh châu Âu không phải là lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc đến việc trả đũa”, ông nói vào thời điểm đó.
Theo CNBC
>> Mỹ ấn định lịch gặp đầu tiên giữa tổng thống mãn nhiệm và ứng viên đắc cử