Xã hội

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng

Minh Phát 23/04/2025 15:25

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những lùm xùm liên quan đến hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ nổ ra khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Niềm ảo vọng được dẫn dắt bởi danh tiếng

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh truyền thông không thể thiếu đối với nhiều thương hiệu và sản phẩm. Không gian ảo này nhanh chóng biến thành một sân chơi quảng bá đầy tiềm năng, trong đó không ít nhãn hàng đã "mượn danh" nghệ sĩ để tiếp cận người tiêu dùng. Các chiến lược tiếp cận người tiêu dùng cũng vô cùng đa dạng, từ livestream bán hàng , chia sẻ trải nghiệm cá nhân đến việc làm đại sứ thương hiệu.

Xu hướng này từng được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, khi tên tuổi của nghệ sĩ có thể giúp sản phẩm dễ dàng chạm tới người tiêu dùng, xây dựng niềm tin và thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên, làn sóng nghệ sĩ tham gia quảng cáo gần đây đã dấy lên không ít tranh cãi khi vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm bị phơi bày.

Liên tiếp những lùm xùm đã nổ ra liên quan đến việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng, thậm chí dính líu đến các mặt hàng vi phạm pháp luật, như thực phẩm chức năng chưa được cấp phép, mỹ phẩm thiếu an toàn và cả hàng giả. Một trong những vụ việc điển hình là khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất hơn 573 loại sữa bột giả tại Hà Nội. Vụ việc gây chấn động không chỉ bởi quy mô lớn mà còn bởi sự tinh vi trong khâu tiêu thụ: từ việc lập công ty “ma”, thuê cổ đông, xây dựng fanpage đến tổ chức livestream quảng cáo. Đặc biệt, không ít sản phẩm kém chất lượng trong số 573 loại sữa giả đã được nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng bá rầm rộ.

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 1
Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất hơn 573 loại sữa bột giả tại Hà Nội. Ảnh: Người Lao Động

Nhiều gương mặt nổi tiếng như NSND Hồng Vân, Vân Hugo, Thanh Hương, MC Hoàng Linh, MC Quang Minh... bị cho là đã quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, nam diễn viên Doãn Quốc Đam cũng bị nêu tên khi quảng bá dòng sữa giả dành cho trẻ em. Người dùng mạng xã hội đã đào lại phát ngôn của nam diễn viên, khi anh khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm, nhấn mạnh rằng đây là dòng sữa hàng đầu giúp con anh khỏe mạnh, học tập tốt và tăng chiều cao. Tuy nhiên, thực tế sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gây tổn hại niềm tin của người tiêu dùng.

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 2
Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 3
Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 4
Hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng bị phát hiện 'tiếp tay' cho những sản phẩm kém chất lượng. Ảnh: Internet

Trước đó, sản phẩm kẹo rau củ Kera từng gây xôn xao dư luận khi được quảng bá rầm rộ với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, sản phẩm này sau đó bị Cục An toàn thực phẩm yêu cầu dừng lưu hành do "vi phạm quy định công bố và quảng cáo không đúng". Là một trong những người từng tham gia quảng bá, Hoa hậu Thùy Tiên đã công khai xin lỗi trên mạng xã hội, thừa nhận sai sót và "cam kết sửa chữa". Dù vậy, cô vẫn bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt 25 triệu đồng, và đến nay, vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Sau những bê bối quảng cáo, niềm tin của người tiêu dùng vốn được tạo dựng bởi chính danh tiếng của nghệ sĩ bỗng chốc sụp đổ. Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng, nghệ sĩ Việt có đang vì thù lao mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng?

Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng sự tin tưởng và chú ý của công chúng để lan tỏa những giá trị tích cực, những điều tốt đẹp trong xã hội là một điều đáng trân trọng. Thế nhưng, nhiều người nghệ sĩ lại quảng cáo cho những sản phẩm không tốt, kém chất lượng, hàng giả, hàng chưa qua kiểm định là điều không thể chấp nhận”.

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 5
PGS.TS Lê Quý Đức có những phân tích liên quan đến hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ

Chuyên gia Lê Quý Đức phân tích, hiện tượng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, lợi nhuận “khủng” từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng. Chỉ với một bài đăng hoặc video vài phút, nghệ sĩ có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh trong ngành giải trí khiến nhiều nghệ sĩ dễ dàng nhận lời quảng cáo để duy trì hình ảnh và thu nhập. Một số trường hợp thiếu kiến thức về sản phẩm và hiểu biết liên quan đến pháp luật còn yếu kém, dẫn đến vi phạm mà không lường trước hậu quả. Đáng lo ngại hơn, một số nhãn hàng cố tình cung cấp thông tin sai lệch, khiến nghệ sĩ vô tình trở thành “công cụ” tiếp thị cho sản phẩm kém chất lượng.

Vô tình hay cố ý, cái giá phải trả đều không rẻ

Hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng của hàng triệu người. Vì vậy, bất kỳ hành vi quảng cáo lố hay sai sự thật nào cũng để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả người tiêu dùng và chính nghệ sĩ.

PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ: ‘Đối với người tiêu dùng, quảng cáo sai sự thật không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn đe dọa sức khỏe. Các sản phẩm như thực phẩm chức năng không đạt chuẩn, sữa giả, sữa chưa qua kiểm định hay mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn có thể gây hậu quả lâu dài, đặc biệt khi đối tượng sử dụng là trẻ em hoặc người cao tuổi”.

Ông Đức cũng cho biết thêm, quảng cáo sai sự thật là con dao hai lưỡi, dễ đẩy nghệ sĩ vào thế “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Dù mang lại lợi nhuận tức thì, nhưng khi sự thật bị phanh phui thì khoản thù lao họ nhận được chẳng là gì so với những tai tiếng phải chịu.

Ở phương diện luật pháp, nghệ sĩ cũng sẽ phải chịu những chế tài liên quan đến hoạt động quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật. Theo Thạc sĩ, Luật sư Ngô Hoàng Minh (Công ty Luật TNHH Mina), pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về các biện pháp xử lý đối với những hành vi quảng cáo sai sự thật, trong đó bao gồm cả các hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ.

“Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, xuất xứ sản phẩm có thể bị phạt từ 60 đến 80 triệu đồng đối với cá nhân và từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với tổ chức.

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 6
Luật sư Ngô Hoàng Minh. Ảnh: NVCC

Về trách nhiệm hình sự, Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người quảng cáo gian dối, từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này mà vẫn tái phạm, có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu những người quảng cáo có sự bàn bạc, cấu kết với các doanh nghiệp, nhà cung cấp hàng hóa thì hành vi này có thể bị xem xét xử lý theo tội “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm, hoặc bị xem xét theo các tội danh khác như “Lừa dối khách hàng” (Điều 198), “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317). Các tội danh này có khung hình phạt rất nghiêm khắc, lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân”, luật sư Ngô Hoàng Minh phân tích.

Phải lấy đạo đức của nghệ sĩ làm nền móng của quảng cáo

Không thể phủ nhận rằng, quảng cáo chính là một trong những hoạt động cần thiết trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và danh tiếng của nghệ sĩ chính là ‘chất xúc tác’ giúp cho quá trình quảng bá sản phẩm được đúng, trúng, hiệu quả hơn. Thế nên, việc quảng cáo trung thực về chất lượng sản phẩm không chỉ là trách nhiệm của đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn là trách nhiệm của chính người nghệ sĩ tham gia quảng cáo.

PGS.TS Lê Quý Đức nhận định, để giải quyết tình trạng quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật, người nghệ sĩ cần phải thực hiện một số nguyên tắc quan trọng. Ông nhấn mạnh: “Đầu tiên, nghệ sĩ phải lấy uy tín, đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của mình làm nền tảng cho mọi hoạt động quảng cáo. Uy tín và hình ảnh của nghệ sĩ chính là tài sản quý giá nhất. Dù hợp đồng quảng cáo có giá trị hàng tỷ đồng, nhưng nếu sản phẩm quảng cáo sai sự thật, giá trị đó sẽ chẳng còn gì, vì quảng cáo sai sẽ phá hủy lòng tin của công chúng”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho rằng, trước khi tham gia vào bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào, nghệ sĩ cần đảm bảo kiểm định rõ ràng chất lượng của sản phẩm và tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cần thiết liên quan đến quảng cáo. Điều này sẽ giúp họ không chỉ bảo vệ hình ảnh của bản thân mà còn đóng góp vào việc duy trì một môi trường truyền thông trong sạch, lành mạnh, tạo dựng niềm tin để người tiêu dùng an tâm lựa chọn sản phẩm.

Đồng thời, công chúng cần tư duy phản biện, tránh tin mù quáng vào lời quảng cáo hào nhoáng. “Người tiêu dùng cần được trang bị tư duy phản biện, không nên tin tuyệt đối vào những lời quảng cáo có cánh. Hãy là những người tiêu dùng thông minh, biết cách chọn lọc sản phẩm và biết lên án, quay lưng trước những nghệ sĩ có xu hướng quảng cáo bất chấp,” ông Đức bày tỏ.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ. Theo nội dung trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 (6/4/2025), Thứ trưởng Thường trực Bộ VH-TT&DL Lê Hải Bình cho biết, trước thực trạng quảng cáo sai sự thật, Bộ đang đẩy nhanh sửa đổi Luật Quảng cáo. “Với thực tiễn càng ngày càng có nhiều cái mới, chúng tôi đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và rất xác thực với thực tiễn”, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết.

Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng - ảnh 7
Thứ trưởng thường trực Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình trao đổi về vấn đề quản lý nghệ sĩ tham gia quảng cáo tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 6/4/2025. Ảnh: VGP

Bộ VHTT&DL dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo.

Thứ hai, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.

“Khi làm luật đều kèm theo Nghị định và chúng tôi cũng dự kiến trong Nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo có điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng. Chúng tôi dự định tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm không cho quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội. Chúng ta thấy là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có từ rất sớm, triển khai cũng rất cụ thể, nhiều biện pháp và trong thời gian tới sẽ củng cố thêm cả về Luật, Nghị định và các văn bản liên quan”, Thứ trưởng Lê Hải Bình nêu rõ.

Những sửa đổi từ các bên liên quan này không chỉ nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật mà còn bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới một môi trường truyền thông lành mạnh, minh bạch. Với sự đồng hành của nghệ sĩ có trách nhiệm, người tiêu dùng thông thái và khung pháp lý chặt chẽ, vấn đề quảng cáo lố sẽ dần được chấn chỉnh, trả lại niềm tin cho công chúng.

>> Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Bộ Công an vào cuộc giải quyết vụ việc liên quan đến lùm xùm quảng cáo của MC Quyền Linh

Bộ Công an lên tiếng về việc người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật

Bộ Văn hóa tiếc cho Quang Linh Vlogs, một đoạn quảng cáo bằng giá cả tương lai

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chuyen-gia-van-hoa-loi-nhuan-khung-tu-cac-hop-dong-quang-cao-tao-thanh-mot-suc-hap-dan-kho-choi-tu-doi-voi-nhung-nguoi-co-tam-anh-huong-140993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia văn hóa: Lợi nhuận 'khủng' từ các hợp đồng quảng cáo tạo thành một sức hấp dẫn khó chối từ đối với những người có tầm ảnh hưởng
    POWERED BY ONECMS & INTECH