Chuyên gia VDSC: Nguồn cung phân bón toàn cầu dự kiến sẽ vượt cầu trong những năm tới
Theo VDSC, thị trường phân bón nội địa cũng đang ở giai đoạn bão hòa, do đó các doanh nghiệp phải tìm cơ hội mới trên thị trường quốc tế.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường phân bón Việt Nam hiện đã bão hòa do nguồn cung phân ure, phân lân, và NPK vượt quá nhu cầu.
Từ cơ sở đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - mã CK: VDS ) đánh giá các doanh nghiệp đang tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu phân bón ra thế giới.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu được kỳ vọng chủ yếu đến từ việc chiếm lĩnh thị phần từ các nước khác, thay vì từ sự tăng trưởng tự nhiên, bởi nguồn cung phân bón toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục vượt cầu trong những năm tới.
Top 10 quốc gia xuất khẩu phân đạm trên thế giới. Nguồn: VDSC |
Trong giai đoạn 2024-2028, Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) dự báo tình trạng tổng cung vượt tổng cầu sẽ diễn ra ở nhiều sản phẩm, cụ thể:
-Phân Ure: Tổng công suất sản xuất ure toàn cầu dự kiến sẽ đạt 165,9 triệu tấn vào năm 2024 và tăng lên 177,8 triệu tấn vào năm 2028, tương đương với mức tăng 7,1%. Trong khi đó, nhu cầu ure chỉ dự báo tăng 6%, dẫn đến dư cung khoảng 3,6 triệu tấn vào năm 2024 và 5,1 triệu tấn vào năm 2028.
-Phân lân (photpho): Tổng công suất phân lân dự kiến sẽ tăng từ 54,3 triệu tấn năm 2023 lên 60,3 triệu tấn năm 2028, tương ứng với mức tăng 11%. Tuy nhiên, nhu cầu phân lân chỉ tăng 8%, do đó tình trạng dư cung dự kiến sẽ vẫn tiếp tục, với mức dư thừa khoảng 14% tổng công suất vào năm 2028.
-Phân kali: Tổng công suất phân kali dự kiến sẽ tăng từ 52,1 triệu tấn năm 2023 lên 58,9 triệu tấn vào năm 2028, tương ứng mức tăng 13%. Trong khi nhu cầu chỉ tăng 10%, dẫn đến lượng dư thừa dự kiến đạt 9,1 triệu tấn vào năm 2028.
VDSC cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các thị trường quốc tế khi nhu cầu thế giới tăng cao.
Tuy nhiên, do giá khí đầu vào vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu ure lớn.
>> Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi: Lộ diện 2 doanh nghiệp hưởng lợi