Chuyến tàu đặc biệt tái hiện lịch sử đã lăn bánh trên hành trình 1.730km, kỷ niệm 50 năm ‘non sông thu về một dải’
"Đoàn tàu Thống Nhất" gợi lại hành trình lịch sử hào hùng, đặc biệt là dấu mốc trọng đại ngày 30/4/1975 - thời khắc đất nước chính thức thống nhất.
Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên: Hành trình của khát vọng hòa bình
Theo VietnamPlus, tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam được người Pháp xây dựng vào năm 1881, dài 71km, nối Sài Gòn với Mỹ Tho. Đến năm 1936, mạng lưới đường sắt quốc gia cơ bản hoàn thiện với tổng chiều dài 2.600km, trải dài khắp ba miền đất nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh , hệ thống đường sắt này đã bị hư hại nặng nề.
Chiến thắng lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, khép lại chiến tranh và mở ra thời kỳ hòa bình, thống nhất cho dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò chiến lược của tuyến đường sắt Bắc - Nam trong việc khôi phục sản xuất và vận chuyển sau chiến tranh, ngày 14/11/1975, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định khẩn trương phục hồi tuyến đường sắt Thống Nhất. Ngay sau đó, công trình trở thành phong trào thi đua sôi nổi lan từ Nam ra Bắc, quy tụ sức mạnh của các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân dọc tuyến.


Theo ông Khuất Minh Trí - nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam - để nối liền chiều dài hơn 1.730km đường sắt chỉ trong 9 tháng, hơn 100.000 người gồm cán bộ, công nhân, bộ đội và người dân đã trực tiếp tham gia. Khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành: đào đắp 2 triệu m³ đất đá, vận chuyển 1 triệu tấn sắt thép, sản xuất 1 triệu thanh tà vẹt, xây mới hơn 20km cầu, lắp 660km đường ray, kéo 1.686km dây thông tin và khai thác 70.000m³ gỗ.

Ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu mang tên “Thống Nhất” đồng thời khởi hành từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đánh dấu mốc son lịch sử: tuyến đường sắt Bắc - Nam chính thức được khai thông sau ngày đất nước thống nhất .
Tại ga Hà Nội, hàng ngàn người dân Thủ đô đã có mặt chứng kiến thời khắc thiêng liêng ấy. Cờ hoa rực rỡ, tiếng hò reo phấn khích và những nụ cười đầy xúc động lan tỏa khắp sân ga. Cái tên “Thống Nhất” không chỉ là tên gọi của một đoàn tàu, mà còn là biểu tượng cho giấc mơ đất nước liền một dải, xóa bỏ chia cắt.

Sau hành trình kéo dài 80 giờ, ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên tiến vào ga Sài Gòn trong vòng tay chào đón nồng nhiệt của cán bộ và người dân TP. Hồ Chí Minh. Những cái ôm vỡ òa, những giọt nước mắt đoàn tụ - tất cả hòa quyện trong niềm vui sum họp sau nhiều năm chia ly.
Kể từ chuyến tàu đầu tiên năm 1976, ngành đường sắt Việt Nam không ngừng đổi mới, rút ngắn thời gian hành trình Bắc - Nam xuống còn khoảng 33 tiếng. Đặc biệt, trong tương lai gần, khi tuyến đường sắt tốc độ cao được triển khai, thời gian di chuyển giữa hai đầu đất nước có thể chỉ còn 5,3 giờ (dừng tại 5 ga) hoặc 6,6 giờ (dừng tại 23 ga).
Đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải
Đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp lễ 30/4, ngành đường sắt đã tăng cường thêm nhiều chuyến tàu trên các tuyến chính và khu đoạn trọng điểm. Đặc biệt, một đoàn tàu Thống Nhất với thiết kế riêng biệt, mang đậm thông điệp lịch sử và tinh thần dân tộc, đã được đưa vào vận hành.

Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - chia sẻ rằng đoàn tàu không chỉ phục vụ giao thông mà còn gợi nhớ đến thời khắc trọng đại 30/4/1975 - ngày đất nước thống nhất.

Tối 29/4, hai đoàn tàu đặc biệt mang tên “Thống Nhất” - SE4 khởi hành từ ga Sài Gòn và SE1 từ ga Hà Nội - đồng loạt lăn bánh. Theo kế hoạch, hai đoàn tàu sẽ gặp nhau tại Ga Đà Nẵng vào lúc 12h40 ngày 30/4/2025 - đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc chọn Đà Nẵng làm điểm hội ngộ, theo ông Khánh, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Thành phố này không chỉ nằm gần vĩ tuyến 17 - ranh giới chia cắt hai miền xưa kia - mà còn là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của miền Trung, giữ vai trò then chốt trong vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Sự hội ngộ của hai đoàn tàu tại đây chính là biểu tượng cho sự kết nối, đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Ông cũng nhấn mạnh, khoảnh khắc hai đoàn tàu hội ngộ giữa dải đất miền Trung không chỉ tri ân quá khứ, mà còn là lời khẳng định về tương lai tươi sáng khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Không dừng lại ở việc di chuyển, “Đoàn tàu Thống Nhất” còn là hành trình văn hóa sống động. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, các nhà ga được trang hoàng lộng lẫy theo chủ đề “Đường sắt Thống nhất - Non sông liền một dải”. Không khí lễ hội lan tỏa với các chương trình văn nghệ cách mạng do Đội văn nghệ xung kích biểu diễn, mang lại trải nghiệm giàu cảm xúc cho hành khách suốt hành trình.
Tổng hợp
>> Ký ức về ngày 30/4 của cựu phóng viên Mỹ học ăn nước mắm, cưới vợ Việt Nam