Phóng viên quốc tế bất ngờ khi trở lại Việt Nam sau 50 năm
Tôi bị sốc khi nhận ra rằng nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhưng tôi không thể tin được rằng người dân nơi đây lại đối xử tử tế như vậy với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến”, Peter Mungkin, phóng viên từng đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trên đài ABC năm 1975, cho biết khi trở lại Việt Nam.
Trong bài báo đăng tải ngày 30/4, hãng tin ABCÚc mô tả: “Việt Nam đang chuẩn bị cho một lễ duyệt binh lớn thể hiện lòng tự hào dân tộc và năng lực quân sự nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước”.
Đây cũng là dịp hội ngộ hiếm hoi của những người Úc đã chứng kiến những ngày cuối cùng của cuộc chiến, trong đó có phóng viên Peter Mungkin và quay phim David Brill. Họ đã tiếp tục đưa tin về cuộc chiến ngay cả sau khi nhiều hãng thông tấn quốc tế cắt giảm nhân sự vì quyết định rút quân Mỹ của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1973.
![]() |
Ông David Brill. (Ảnh: ABC) |
Brill đã có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1974, và “ghi lại một số hình ảnh mang tính biểu tượng của những ngày cuối cùng”, ABC viết. Ông đã quay lại Việt Nam nhiều lần trong nhiều thập kỷ và vô cùng kinh ngạc trước những thay đổi.
“Giờ đây, sau 50 năm, bạn nhìn lại và nghĩ rằng hãy học hỏi từ điều đó”, Brill nói. “Được mời trở lại vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam thống nhất là một khoảnh khắc vô cùng xúc động với tôi”.
Người từng sát cánh với Brill - Mungkin - cũng có chung cảm xúc: “Tôi bị sốc khi nhận ra rằng nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhưng tôi không thể tin được rằng người dân nơi đây lại đối xử tử tế như vậy với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến”.
![]() |
Bức ảnh được ABC đăng tải với dòng chú thích: "Niềm tự hào dân tộc được thể hiện trọn vẹn khi Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho ngày lễ lớn kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh". (Ảnh: ABC) |
![]() |
(Ảnh: ABC) |
![]() |
(Ảnh: ABC) |
![]() ![]() |
"Người dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi tham gia các hoạt động kỷ niệm", ABC viết. "Những thế hệ người Việt trẻ tuổi được dạy về quá khứ của đất nước, nhưng cũng hướng tới tương lai". (Ảnh: ABC) |
Cũng trong ngày 30/4, đài NHK của Nhật Bản đăng tải bài báo có tiêu đề “Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh”.
Theo NHK, các cựu binh Mỹ và người Việt Nam đã gặp nhau để đối thoại tại một sự kiện do đạo diễn người Nhật Sakata Masako tổ chức.
Bà Masako nổi tiếng với các tác phẩm tập trung vào Chiến tranh Việt Nam, và từng được Việt Nam trao Huân chương hữu nghị ghi nhận những đóng góp của bà đối với phong trào hành động vì những nạn nhân chất độc da cam. Chồng của đạo diễn Masako là một nhà quay phim người Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông qua đời do căn bệnh liên quan tới chất độc da cam.
![]() |
Hình ảnh trên bản tin của NHK. (Ảnh chụp màn hình) |
Tại sự kiện, một phụ nữ giải thích rằng nhiều người vẫn đang phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe do chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
Đáp lại, một trong những cựu binh Mỹ cho biết họ đã gây ra nỗi đau lớn cho người dân Việt Nam. Một người khác giải thích rằng, nhiều binh lính Mỹ cũng phải vật lộn với chấn thương khi trở về nước sau chiến tranh.
Sau cuộc gặp, một cựu chiến binh Mỹ cho biết thật tuyệt vời khi các bên thực sự hiểu nhau và cam kết sẽ cố gắng không bao giờ để một thảm kịch tương tự xảy ra nữa.