Xã hội

Cô gái khiếm thính vượt khó lấy bằng tiến sĩ ĐH số 1 châu Á giờ ra sao?

Tử Huy 18/09/2024 - 07:47

TRUNG QUỐC - Bị điếc từ 6 tháng tuổi, trải qua hành trình nỗ lực để trở thành tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Giang Mộng Nam vừa lên xe hoa và đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Cô được coi là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

Giang Mộng Nam sinh năm 1992 ở huyện Nhất Trường, thành phố Sấm Châu, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

Cha mẹ cô đều là giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở địa phương, cuộc sống gia đình hạnh phúc. Cha mẹ đã đặt tên Giang Mộng Nam để gửi gắm ước mơ về một cuộc đời an bình, thanh thản, như những tháng ngày yên bình trôi qua trên dòng sông xứ Giang Nam.

Co gai diec.jpg
Giang Mộng Nam là tấm gương nghị lực nổi tiếng tại Trung Quốc, vượt lên nghịch cảnh để có bằng tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa.

Khi Giang Mộng Nam được nửa tuổi, một tai nạn đã làm thay đổi tất cả. Khi đó, ông nội của cô bị bệnh phải nhập viện. Cha mẹ Mộng Nam vừa phải đi làm vừa chăm lo cho ông nội. Vì thế, họ tạm thời giao con gái cho người nhà chăm sóc. Tuy nhiên, cô đột nhiên lên cơn sốt cao và được chuẩn đoán bị viêm phổi. Lúc 6 tháng tuổi, Mộng Nam bị mất thính lực vì tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị bệnh. Biến cố xảy đến với con gái khiến cả gia đình vô cùng đau khổ.

Ban đầu, khi Mộng Nam bị mất thính lực, các bác sĩ khuyên gia đình nên cho cô bé sớm đi học ngôn ngữ ký hiệu.

Dù vậy, để giúp con gái hòa nhập xã hội tốt hơn, cha mẹ cô đã từ bỏ việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho Mộng Nam và thay vào đó là giúp cô học cách phát âm, đọc môi. Từ các từ, cụm từ đến cách diễn đạt hàng ngày, Mộng Nam đã nhận biết được hình dạng chữ ở miệng khi nhìn vào gương, học cách phát âm bằng cách chạm vào cổ họng của cha mẹ và học "nghe”- “nói" thông qua đọc môi.

Gia đình hy vọng con gái có thể hòa nhập và sống như một người bình thường

Một lần, khi Mộng Nam đang chơi thể thao, cô đã đánh trượt bóng trong tay và thốt lên một tiếng “ah”. “Đó giống như tiếng gọi cha mẹ đầu đời của con vậy”, ông bà Giang chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên Giang Mộng Nam phát ra âm thanh kể từ khi mất đi thính giác. Đêm đó, bố mẹ thay nhau ôm cô và đối với họ, đây là “những âm thanh đẹp nhất trên đời”, theo trang thông tin của Đại học Thanh Hoa.

Co gai diec 2 jpg
Gia đình chính là nền tảng vững chắc giúp cô gái khiếm thính đạt được thành công như ngày hôm nay.

Khi con gái đến tuổi đi học, cha mẹ Mộng Nam rất vất vả mới có thể xin học cho con bởi các trường đều không muốn nhận cô bé. Ban giám hiệu khuyên gia đình nên cho cô theo học ở trường dành cho học sinh câm điếc. Nhiều giáo viên cho rằng Mộng Nam sẽ không thể hòa nhập ở trường học bình thường.

Sau cùng, khi Mộng Nam được một trường tiểu học đón nhận, cô bé đã học tập rất chăm chỉ, có kết quả thuộc nhóm đứng đầu lớp. Trong giờ học, Mộng Nam "nghe bài giảng" bằng cách "đọc" khẩu hình của giáo viên.

Với sự chăm chỉ và trí nhớ đáng kinh ngạc, cô luôn có điểm số thuộc top đầu lớp. Sau đó, cô được nhận vào chương trình đại học và thạc sĩ của Đại học Cát Lâm với kết quả xuất sắc. Mộng Nam học chuyên ngành dược và muốn sử dụng khả năng của mình để giúp đỡ nhiều người gặp khó khăn khác.

Cô học tập đạt kết quả xuất sắc và xuất bản nhiều bài báo nghiên cứu. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp cao học, Giang Mộng Nam được nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học số 1 châu Á Thanh Hoa.

‘Tôi tin rằng mình không thua kém người khác’

Trước khi bắt đầu học tiến sĩ, Giang Mộng Nam đã được cấy ghép ốc tai điện tử thành công. Sau ca phẫu thuật, cô cuối cùng cũng nghe được âm thanh, nhưng vì vẫn chưa quen nên cô phải luyện thính giác mỗi ngày.

Sau đó, Mộng Nam gia nhập "Hiệp hội nghiên cứu khả năng tiếp cận sinh viên”. Cô muốn dùng nỗ lực của mình để giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn và dùng kinh nghiệm của bản thân để khuyến khích những người như cô.

Co gai diec 3.png
Giang Mộng Nam vừa kết hôn với bạn trai là bạn cùng lớp tại Đại học Thanh Hoa.

Sự xuất sắc của Mộng Nam càng được nhiều người biết đến và công nhận hơn. Cô thường được ví như một mặt trời nhỏ tích cực, truyền niềm vui cho bạn bè và người thân xung quanh.

Với bằng tiến sĩ của Trường Khoa học và Đời sống của Thanh Hoa, cô trở thành sinh viên duy nhất ở quê hương được nhận vào một trường đại học trọng điểm hàng đầu Trung Quốc và số 1 châu Á. Năm 2021, Mộng Nam còn được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa vào danh sách 10 nhân vật truyền cảm hứng của năm.

Bí quyết để Mộng Nam không ngừng tiến bước trong cuộc sống, đó là cô không bao giờ nghĩ về bản thân như một người yếu thế. Cô tâm sự: "Tôi thường nói với các thầy cô trực tiếp dạy tôi qua các bậc học rằng đừng giảm tiêu chuẩn đối với tôi, chỉ vì tôi có vấn đề thính giác. Đôi khi, tôi cảm thấy ái ngại khi được thầy cô, bạn bè dành cho nhiều lời khen ngợi. Tôi chỉ mong mọi người nhìn nhận tôi giống như những người bình thường khác và áp dụng cùng một chuẩn mực đối với tôi, không có sự biệt đãi nào".

Mỗi bước đi trong cuộc sống, trưởng thành và học tập của Mộng Nam đều là một nỗ lực phi thường vượt nghịch cảnh. “Tôi tin rằng mình không thua kém gì ai. Cuộc đời tôi dường như có nhiều bước lùi hơn người khác. Nhưng tôi nghĩ luôn có người đi nhanh, có người đi chậm. Đừng lo lắng mà hãy lặng lẽ tích lũy năng lượng bởi hoa nở muộn cũng là loài hoa đẹp”.

Giang Mộng Nam luôn có một giấc mơ, đó là “chữa bệnh, cứu người thoát khỏi đau đớn". Hiện tại, cô đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Tây Hồ. Chia sẻ về định hướng trong tương lai, Mộng Nam cho biết cô muốn theo đuổi con đường nghiên cứu và trở thành một giảng viên đại học.

Ngày 2/5/2024, đám cưới của cô được tổ chức tại tỉnh An Huy và chú rể là bạn cùng lớp tại Đại học Thanh Hoa.

Câu chuyện của Giang Mộng Nam như một lời nhắn nhủ: những cô gái đã đi qua nhiều con đường chông gai với nỗ lực không mỏi mệt, hạnh phúc sẽ tìm tới.

>>Thần đồng có IQ cao nhất thế giới, vượt cả Albert Einstein: 8 tuổi đã được NASA mời làm việc, 9 tuổi lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ nhưng lại bị gắn mác ‘thiên tài thất bại’

Thần đồng có IQ cao nhất thế giới, vượt cả Albert Einstein: 8 tuổi đã được NASA mời làm việc, 9 tuổi lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ nhưng lại bị gắn mác ‘thiên tài thất bại’

Xử lý ra sao khi chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 nhưng có bằng tiến sĩ?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-gai-khiem-thinh-vuot-kho-lay-bang-tien-si-dh-so-1-chau-a-gio-ra-sao-2322923.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cô gái khiếm thính vượt khó lấy bằng tiến sĩ ĐH số 1 châu Á giờ ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH