Xã hội

Tỉnh giàu nhất Việt Nam, đang được đề xuất sáp nhập lọt 'tầm ngắm' của đại gia Nhật Bản, muốn là nơi xây dựng tuyến đường sắt 5.200 tỷ

Minh Phát 05/04/2025 - 14:00

Dự án này sẽ kết nối các khu vực quan trọng tại tỉnh tạo nền tảng cho sự phát triển hạ tầng giao thông hiện đại của địa phương.

Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) vừa trình báo cáo tiền khả thi về dự án đường sắt nhẹ (LRT) Thủ Dầu Một tại Bình Dương, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 5.200 tỷ đồng. Dự án này sẽ kết nối các khu vực quan trọng tại Bình Dương tạo nền tảng cho sự phát triển hạ tầng giao thông hiện đại của tỉnh.

Theo kế hoạch, tuyến LRT sẽ bắt đầu từ tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và kết thúc tại Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương. Theo thông tin từ Báo Bình Dương cho biết, tuyến có tổng chiều dài 13 km, gồm 10 ga và dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng. Đại diện Tokyu cho hay, dựa trên đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, Tập đoàn đã đề xuất dự án và nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, với khoản tài trợ 100 triệu yên nhằm phục vụ công tác khảo sát và lập quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh theo hướng bền vững.

Ngoài việc phát triển hệ thống giao thông LRT, dự án còn bao gồm nghiên cứu về các khu công nghiệp xanh, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và mô hình thành phố thông minh theo kiểu TOD (Transit-Oriented Development). Tokyu cũng đề xuất đầu tư vào ba tuyến đường sắt, bao gồm tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 của Bình Dương và tuyến LRT.

Tỉnh giàu nhất Việt Nam, đang được đề xuất sáp nhập lọt 'tầm ngắm' của đại gia Nhật Bản, muốn là nơi xây dựng tuyến đường sắt 5.200 tỷ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hai phương án triển khai đã được đưa ra để thực hiện dự án. Phương án đầu tiên là phát triển từng tuyến riêng biệt theo chức năng riêng của chúng, trong khi phương án thứ hai đề xuất tích hợp tuyến LRT vào tuyến metro số 2 để đồng bộ và thuận tiện trong việc vận hành, yêu cầu thiết kế phù hợp để đảm bảo kết nối giữa các tuyến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Bùi Minh Trí, cho rằng việc đánh giá tính khả thi của các phương án cần phải thực hiện qua khảo sát và nghiên cứu cụ thể về nhu cầu giao thông, khả năng bố trí quỹ đất cho hạ tầng đường sắt theo quy hoạch đã được duyệt, và các giải pháp công nghệ phù hợp. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Tập đoàn Tokyu để hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án và trình UBND tỉnh.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, nếu tuyến metro số 1 giúp kết nối với TP.HCM và Đồng Nai, thì tuyến LRT đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu vực trung tâm Bình Dương, đồng thời giúp chuyển tiếp đến các ga chính của tuyến metro. Việc kết hợp LRT với các tuyến xe buýt trung chuyển được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực giao thông, đặc biệt tại các khu dân cư đông đúc và các khu công nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung vào việc nâng cấp và mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch và tạo ra một môi trường giao thông thuận lợi cho sự phát triển bền vững.

Tập đoàn Tokyu được thành lập vào năm 1922, là một trong những tập đoàn kinh tế lớn và lâu đời của Nhật Bản, hoạt động đa ngành từ đường sắt, giao thông vận tải đến bán lẻ, văn hóa, giáo dục, đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực phát triển đô thị. Đây cũng được đánh giá là một doanh nghiệp nước ngoài ‘có duyên’ với Bình Dương khi vào ngày 27/02/2012, Tokyu và Becamex IDC đã ký hợp đồng liên doanh chiến lược, thống nhất thành lập công ty liên doanh đầu tư bất động sản nhằm phát triển đô thị tại Thành phố mới Bình Dương. Công ty liên doanh, mang tên Công ty TNHH Becamex Tokyu chính thức được thành lập vào ngày 01/3/2012.

Becamex Tokyu đã đầu tư vào nhiều dự án quan trọng, với mục tiêu tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực thương mại, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông và hệ thống xe buýt công cộng. Công ty cũng phát triển các khu nhà hàng, trung tâm thương mại và các thương hiệu Nhật Bản, góp phần nâng cao tiện ích sống cho cư dân địa phương. Các dự án của Becamex Tokyu đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái mới cho môi trường sống và làm việc, đồng thời thu hút đầu tư và hình thành những công trình ấn tượng. Những nỗ lực này đã góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương là tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất Việt Nam (chỉ xếp sau 2 TP lớn là TP.HCM và Hà Nội) đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.

Mới đây, trong Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Quốc Bình đã có những chia sẻ về vấn đề sáp nhập các tỉnh thành, nhấn mạnh rằng các chủ trương của Trung ương đều nhằm đảm bảo rằng các đơn vị hành chính mới sẽ có đủ không gian để phát triển kinh tế - xã hội một cách liên thông, tránh tình trạng phân tán và cản trở sự phát triển chung.

Theo ông, việc sáp nhập tỉnh Bình Dương với các nơi lân cận nhằm tạo ra một vùng có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, với cơ cấu kinh tế hiện đại. Đây sẽ là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như trung tâm tài chính quốc tế, xếp vào nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đi kèm với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

>> Bình Dương dự kiến giảm từ 91 xuống 27 đơn vị hành chính cấp xã

Tỉnh Thái Bình muốn có đường sắt kết nối với Nam Định, Hải Phòng

Đề xuất giao TPHCM làm đường sắt giúp kết nối 2 sân bay trị giá 3,5 tỷ USD

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tinh-giau-nhat-viet-nam-dang-duoc-de-xuat-sap-nhap-lot-tam-ngam-cua-dai-gia-nhat-ban-muon-la-noi-xay-dung-tuyen-duong-sat-5200-ty-139543.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tỉnh giàu nhất Việt Nam, đang được đề xuất sáp nhập lọt 'tầm ngắm' của đại gia Nhật Bản, muốn là nơi xây dựng tuyến đường sắt 5.200 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH