Bất động sản

Cơ hội cuối cùng để ông lớn bất động sản Trung Quốc thoát cảnh phá sản

Anh Phương 01/11/2023 - 08:14

Được hoãn phiên điều trần cuối cùng đến ngày 4/12 nhưng trước thời hạn đó đại gia bất động sản Evergrande phải đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nợ chi tiết, nếu không nhiều khả năng sẽ bị phá sản.

Phải có kế hoạch tái cơ cấu nợ trước ngày 4/12

Theo Reuters, một toà án ở Hong Kong (Trung Quốc) đã cho Tập đoàn Evergrande thời hạn 5 tuần để đạt được thoả thuận với các chủ nợ hoặc phải bị phá sản.

Động thái này diễn ra sau khi toà án quyết định tạm hoãn phiên điều trần cuối cùng lại và nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cho biết đang điều chỉnh kế hoạch tái cơ cấu nợ.

Tòa án Tối cao Hong Kong đã đồng ý hoãn phiên điều trần cuối cùng của Tập đoàn Evergrande đến ngày 4/12. Thẩm phán Linda Chan cho biết đây sẽ là phiên điều trần cuối cùng trước khi quyết định số phận của doanh nghiệp này.

Theo Thẩm phán Linda Chan, Tập đoàn Evergrande cần đưa ra một phương án tái cơ cấu cụ thể trước ngày 4/12, nếu không, khả năng rất lớn là công ty sẽ bị phá sản.

evergrande trung quoc.jpg
Một khu chung cư của Tập đoàn Evergrande tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Tập đoàn Evergrande đang có khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đã mất khả năng trả nợ cho các đối tác nước ngoài từ cuối năm 2021. Khoản nợ này được cho là lớn nhất thế giới và Tập đoàn Evergrande trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc.

Kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài trị giá 23 tỷ USD của Tập đoàn Evergrande đã bị hủy bỏ vào tháng trước khi người sáng lập tập đoàn, tỷ phú Hứa Gia Ấn, được xác nhận đang bị điều tra vì nghi ngờ có hành vi phạm tội.

Do công ty con thuộc lĩnh vực bất động sản đang bị điều tra, Tập đoàn Evergrande đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc cấm phát hành trái phiếu mới bằng đồng đô la, một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu.

Luật sư của Tập đoàn Evergrande nói trước tòa hôm thứ Hai rằng công ty có kế hoạch “kiếm tiền từ giá trị” của hai công ty con niêm yết ở Hong Kong.

Nguồn tin của Reuters tiết lộ, Tập đoàn Evergrande đã đàm phán với một số trái chủ về kế hoạch tái cơ cấu mới trong hai tuần qua.

Kế hoạch tái cơ cấu mới này sẽ cho phép các trái chủ chọn hoán đổi trái phiếu của họ thành vốn chủ sở hữu và trái phiếu của hai công ty con niêm yết, đó là Evergrande Property Services Group và Evergrande New Energy Vehicle Group. Tập đoàn Evergrande không đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Chủ nợ không có lựa chọn tốt hơn

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc. Khủng hoảng bất động sản tại đất nước này đã làm ảnh hướng kinh tế thế giới và chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để trấn an nhà đầu tư và người mua nhà.

Với tổng tài sản niêm yết trị giá 240 tỷ USD (tính đến cuối tháng 6/2023), việc Tập đoàn Evergrande bị phá sản sẽ khiến cho thị trường bất động sản Trung Quốc chìm sâu vào khủng hoảng. Tuy nhiên, theo dự báo, các dự án của tập đoàn này sẽ ít bị tác động.

Neil McDonald, đại diện nhóm trái chủ lớn, nói với Reuters, Tập đoàn Evergrande đã được tòa án đưa ra một thông điệp rất rõ ràng rằng đây là cơ hội cuối cùng để họ đề xuất một kế hoạch tái cơ cấu khả thi và được các chủ nợ chấp nhận.

Luật sư của nhóm trái chủ nói trước tòa rằng họ ủng hộ quyết định hoãn phiên điều trần vì kế hoạch tái cơ cấu mới có thể mang lại tỷ lệ thu hồi nợ cao hơn so với tỷ lệ dưới 3% nếu tập đoàn bị phá sản.

Top Shine, một nhà đầu tư vào Fangchebao (công ty con của Tập đoàn Evergrande) đã đệ đơn khởi kiện vào tháng 6/2022 vì Tập đoàn Evergrande đã không thực hiện thỏa thuận mua lại cổ phần mà nhà đầu tư đã mua.

Tương tự, một nhà phát triển bất động sản khác là Logan Group cũng được tòa án cho hoãn phiên điều trần đến ngày 4/12.

Do chịu nhiều áp lực về thành khoản, vào năm ngoái, doanh nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến này cho biết sẽ tạm dừng thanh toán lãi và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài 3,7 tỷ USD trái phiếu.

Một số trái chủ nói với Reuters rằng, các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ giữa họ và Logan Group diễn ra từ tháng 3/2023 nhưng đến nay vẫn không có tiến triển gì. Logan Group không bình luận gì về thông tin này.

Trước đó, vào tháng 11/2022, Logan Group và hai công ty con đã bị người đại diện cho một số nhà đầu tư nắm giữ trái 5,75% trái phiếu đáo hạn năm 2025 yêu cầu phá sản.

Novaland (NVL) dự kiến chi 7.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn

VNDirect (VND) muốn huy động 2.000 tỷ trái phiếu để 'rót' vào cho vay margin và đầu tư

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-hoi-cuoi-cung-de-ong-lon-bat-dong-san-trung-quoc-thoat-canh-pha-san-2209079.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cơ hội cuối cùng để ông lớn bất động sản Trung Quốc thoát cảnh phá sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH