Một số đại biểu quốc hội đề nghị không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại nằm giữa trung tâm vùng lõi gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.
Mới đây, một số Đại biểu Quốc hội đề xuất, đối với quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM, những vùng lõi trong bán kính khoảng dưới 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng, thay vào đó chỉ ưu tiên cho việc xây dựng những công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh. Đồng thời, đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi trung tâm thành phố lớn các nhà máy, trường đại học…
TS. Võ Kim Cương – Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết cần hạn chế sớm việc xây dựng chung cư cao tầng, bởi nếu tập trung đông người trong cùng khu vực thì không giải quyết được tình trạng giao thông. Trong trường hợp giao thông thuận lợi hơn, mở rộng thêm tuyến đường thì mới có thể cho xây dựng tiếp.
(TyGiaMoi.com) - Đảm bảo chất lượng đô thị
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng hạ tầng của khu vực trung tâm và các quận nội thành cũ đã quá ngưỡng chịu đựng, nếu tiếp tục chất tải cao tầng lên sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề kẹt xe - ngập nước. Trước mắt, TP cũng chưa có điều kiện để nâng cấp hạ tầng khu vực trung tâm, tức là khi nào có điều kiện nâng cấp hạ tầng ở trung tâm và các quận nội thành cũ sẽ cho xây dựng cao tầng tiếp. Bên cạnh đó, việc hạn chế xây dựng nhà ở cao tầng tại trung tâm và các quận nội thành cũ để đảm bảo chất lượng đô thị.
Theo KTS, xét trên nhiều khía cạnh, khu nội thành vẫn là nơi đáng sống nhất nhưng nếu không hạn chế xây dựng nhà ở cao tầng để giữ chất lượng sống cho nội thành, khuyến khích nhà đầu tư làm dự án bên ngoài để xây dựng các đô thị đầy đủ tiện nghi khác thì chẳng bao lâu nữa trung tâm TP sẽ không còn giữ được chất lượng sống tốt như hiện nay.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia Nguyên Xuân Thủy cho biết, không nên cấm hoàn toàn việc xây nhà cao tầng trong vùng lõi bởi có nhiều công trình cần phải xây dựng, là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như vấn đề hạ tầng.
Bên cạnh đó, nên tuân thủ quy hoạch được đề ra của Bộ Xây dựng, có nghĩa rằng mỗi vị trí được quy định có thể xây nhà với số tầng nhất định, trong khi các khu vực khác sẽ không được xây mà có thể sử dụng làm công viên cây xanh, cải thiện hệ thống giao thông. Điều này yêu cầu chúng ta tuân thủ nghiêm túc theo quy hoạch đã được thiết lập.
(TyGiaMoi.com) - Phát triển phương tiện công cộng
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, cần đến 16 – 26% quỹ đất dành cho giao thông, tuy nhiên trên thực tế chỉ dành 8 – 9%. Hơn nữa, diện tích để xây bãi đỗ xe cũng khan hiếm.
Theo đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dựa trên bài học từ các thành phố lớn trên thế giới, việc phát triển phương tiện công cộng là điều không thể thiếu. Đối với hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc phát triển giao thông công cộng là cực kỳ quan trọng. Do vậy, hiện Bộ GTVT đang tăng cường hợp tác chặt chẽ với 2 thành phố nhằm nâng cao giao thông công cộng. Điều này đã được nhấn mạnh tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống đường sắt.
Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, 2 thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, mở rộng không gian, làm Vành đai 3,4 để có các tuyến để hạn chế những phương tiện giao thông không nhất thiết phải đi vào nội thành.
Theo ông Phúc, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng không chỉ gặp áp lực về dân số mà còn khó khăn trong việc cung cấp đủ chỗ đỗ xe. Do đó, việc dịch chuyển các dự án nhà cao tầng ra vùng ven và hình thành đô thị vê tinh là một hướng đi khả thi. Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Mặt khác, việc hạn chế xây dựng nhà cao tầng còn phụ thuộc vào quy hoạch. Đối với các khu đất đã có quy hoạch thì việc triển khai các dự án cao tầng phải tuân thủ đúng quy hoạch đã đề ra. Đối với những dự án mới, có thể không khuyến khích phát triển ở trung tâm do e ngại về vấn đề tắc đường, nhưng cần xem xét cẩn thận nhằm tận dụng tối đa quỹ đất từ các chủ đầu tư một cách hiệu quả.