Có những xét nghiệm máu nào mà bạn không cần nhịn ăn?
Chúng ta thường mặc định là cần nhịn ăn trước khi đi xét nghiệm máu. Thế nhưng thực tế có những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn.
Xét nghiệm máu thường được sử dụng để kiểm tra sức khỏe  định kỳ, giúp chẩn đoán bệnh hoặc tìm ra mầm bệnh, kiểm tra kháng thể hoặc sàng lọc ung thư sớm… Chúng ta thường mặc định là cần nhịn ăn trước khi đi xét nghiệm máu. Thế nhưng thực tế có những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn. Đó là chia sẻ của TS.BS. Hoàng Đình Âu (BV Đại học Y Hà Nội).
Những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn
Xét nghiệm nhóm máu: Đây là xét nghiệm để xác định bạn thuộc nhóm máu nào. Các nhóm máu thường được quy định do gen di truyền và sẽ không thay đổi. Do đó, bạn không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
Xét nghiệm công thức máu: Việc ăn uống sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, do đó bạn không cần nhịn ăn trước khi lấy mẫu. Ở đây bạn cần phân biệt với các trường hợp lấy mẫu máu cho các loại xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch,... là những xét nghiệm bắt buộc phải nhịn ăn từ 8 - 12 giờ để không làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Để có quyết định chuẩn xác về việc nên hay không nên nhịn ăn, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Thực tế có những xét nghiệm máu không cần nhịn ăn. |
Xét nghiệm viêm gan B, C: Viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu và không bị ảnh hưởng bởi các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm. Ăn nhẹ trước khi thực hiện xét nghiệm còn có tác dụng tránh nguy cơ tụt huyết áp do… bụng rỗng. Với xét nghiệm viêm gan C cơ bản để chẩn đoán xem bạn có đang bị nhiễm virus viêm gan C hay không thì cũng không cần phải nhịn ăn. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến nồng độ virus viêm gan C có trong cơ thể.
Xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh xã hội, xét nghiệm HIV và các bệnh như lậu, giang mai… thường dựa vào xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể của các loại virus, hoặc tìm sự hiện diện của vi khuẩn trong máu... Do đó, người đi làm xét nghiệm không cần phải nhịn ăn. Chỉ lưu ý trước khi làm xét nghiệm máu thì cần tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là bộ phận sinh dục; Không thoa thuốc hay gel gì lên vùng bị thương tổn.
Tầm soát ung thư  là xét nghiệm nhằm tìm ra dấu ấn ung thư như hormone hay các protein đặc biệt. Việc nhịn ăn trong tầm soát ung thư hay không còn phụ thuộc vào loại bệnh mà bạn cần tầm soát. Không phải tất cả các bệnh lý ung thư khi tiến hành tầm soát đều phải nhịn ăn. Điều này bạn cần tư vấn từ bác sĩ. Những loại bệnh ung thư cần nhịn ăn để tầm soát gồm các bệnh ở đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng.
Xét nghiệm và khám sàng lọc trước sinh: Khi thực hiện các phương pháp này, các mẹ bầu đều không cần nhịn ăn và có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Xét nghiệm giun sán: Là phương pháp tìm ký sinh trùng giun sán trong máu người bệnh. Bạn không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm này.
Những lưu ý khi đi xét nghiệm máu
Để đảm bảo kết quả chính xác đối với các xét nghiệm máu không cần nhịn ăn, bạn cần lưu ý rằng tuy không cần nhịn ăn nhưng bạn nên tránh những loại đồ ăn có tính cay nóng, tránh sử dụng các chất kích thích làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Trước khi xét nghiệm máu bạn vẫn có thể uống nước như bình thường nhưng cần tránh một số đồ uống như sữa, đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, nước tăng lực, nước ngọt có ga, soda, bia, rượu…
Bạn cũng cần phải bỏ thuốc lá hoặc ngừng sử dụng thuốc kể cả thuốc kê đơn và không kê đơn vì những chất này có thể được chuyển hóa vào máu, gây ra tác dụng phụ và ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Lịch sử uống thuốc của bạn cũng là một thông tin mà bác sĩ cần nắm được. Rất có ích nếu bạn “khai” với bác sĩ các loại thuốc bạn đang sử dụng trước khi tiến hành xét nghiệm. Bởi vì một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ amylase trong máu như aspirin, corticosteroid, thuốc lợi tiểu, thuốc cholinergic, nhóm thuốc gây nghiện, corticosteroid, asparaginase, indomethacin, thuốc tránh thai đường uống…
Ngoài ra, không nhai kẹo cao su và tập thể dục hay vận động mạnh trước thời điểm lấy mẫu bởi việc này có thể làm sai lệch kết quả. Tốt nhất hãy thả lỏng cơ thể, giữ tinh thần thoải mái trước khi xét nghiệm.
Thời điểm xét nghiệm máu thích hợp nhất chính là buổi sáng. Lúc này, các chỉ số của cơ thể tương đối ổn định. Các loại chất thải và cặn bã cũng đã được loại bỏ ra khỏi cơ thể.
>> Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu đau đầu nguy hiểm cần đi bệnh viện