Cổ phiếu công nghệ 'đồng khởi' sau một triển lãm quan trọng
Ngày 7/11, Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều ông lớn công nghệ như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes.
Trong phiên sáng 8/11, sau khi khởi đầu với nhịp tăng nhẹ, VN-Index đã đảo chiều và đã giảm 2,5 điểm (tính đến 10h37) xuống mốc 1.257,2 điểm cùng với thanh khoản thấp, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Đi ngược với thị trường, nhóm cổ phiếu công nghệ đồng loạt tăng với CMG  (+2,5%), FPT (+0,5%), ELC (+0,4%), ITC (+6,4%), ITD (+4,4%) và ba "tím lịm" gồm MFS  (+14,8%), HIG (+14,6%), LTC (+13,6%).
Cổ phiếu nhóm công nghệ đồng loạt tăng trong phiên 8/11 |
Nhóm cổ phiếu này có diễn biến tích cực trong bối cảnh ngày 7/11 vừa qua, Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Viet Nam) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn.
Chương trình này đã thu hút sự tham gia của của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT , Viettel…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện sẵn sàng đón nhận và hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu.
Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao… góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc SEMIExpo Viet Nam 2024 |
Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cùng với 3 khu công nghệ cao tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thuận lợi.
Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.
Với doanh thu 18,3 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hơn 11%, Việt Nam đang khẳng định vị thế, tiềm năng đóng góp vào chuỗi cung ứng bán dẫn, trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo và giải quyết thách thức cho ngành bán dẫn toàn cầu.
Về xu hướng phát triển của ngành bán dẫn toàn cầu, Chủ tịch Global Foundries khu vực châu Á cho biết, từ cú hích của trí tuệ nhân tạo, ngành chip toàn cầu đang phát triển bùng nổ dựa trên động lực của thị trường. Đây là làn sóng thứ hai trong phát triển công nghiệp bán dẫn với tốc độ tăng trưởng hơn 50% vào năm 2030 với doanh thu hơn 1000 tỷ USD.
Công nghệ không ngừng phát triển mạnh mẽ, ngành bán dẫn có thể tiếp tục đón làn sóng tăng trưởng thứ 3 từ cú hích của công nghệ lượng tử. Công nghệ này có thể tạo nên siêu xu hướng chi phối ngành bán dẫn phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có.
>> Trump 2.0: Tái thiết và thay đổi cuộc chơi công nghiệp công nghệ Mỹ
FPT bắt tay EDC, cam kết hợp tác với tối thiểu 20 công ty Canada trong ba năm tới 
FPT ký kết hợp đồng 3 năm với doanh nghiệp công nghệ được định giá 4,3 tỷ USD