Trump 2.0: Tái thiết và thay đổi cuộc chơi công nghiệp công nghệ Mỹ
Thung lũng Silicon đang chuẩn bị cho một mối quan hệ hoàn toàn khác với Washington khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng, cùng lời hứa hủy bỏ nhiều chính sách của người tiền nhiệm, chưa kể, sát cánh với ông là Elon Musk - một doanh nhân công nghệ.
Trí tuệ nhân tạo
Ông Donald Trump  có ý định thay thế biện pháp mà ông Biden đã ký vào năm ngoái, đặt ra các hướng dẫn về bảo mật và quyền riêng tư tự nguyện cho các nhà phát triển AI.
Cụ thể như tìm kiếm thêm kinh phí cho nghiên cứu AI, trao cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia vai trò lớn hơn trong việc xây dựng hướng dẫn giảm thiểu rủi ro và thành lập một cơ quan mới để thử nghiệm và đánh giá các mô hình AI trước khi chúng được công bố.
Mặc dù chưa có nhiều thông tin cụ thể, tổng thống đắc cử đã gọi chính sách của ông Biden là "nguy hiểm" và tuyên bố rằng nó cản trở sự đổi mới.
Ông Trump đã nói rằng, ông sẽ thay thế nó bằng "sự phát triển AI bắt nguồn từ quyền tự do ngôn luận”.
"Trong một số nhóm chính sách cánh hữu, an toàn được coi là từ đồng nghĩa với kiểm duyệt", Gregory Allen, Giám đốc Trung tâm AI Wadhwani tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Một số phần trong chương trình nghị sự AI của Biden có thể tồn tại, bao gồm cả việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng AI của ông.
Allen cho biết, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng năng lực năng lượng để duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI, điều này có thể dẫn đến việc nới lỏng các rào cản cấp phép sử dụng đất và điện.
AI vẫn sẽ là ưu tiên an ninh quốc gia và thúc đẩy các cơ quan duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ bằng cách giữ công nghệ hỗ trợ AI tránh xa các đối thủ như Trung Quốc.
Ông Trump cũng có thể hành động thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vượt xa các hạn chế hiện tại của Biden.
“Thân thiện” với các vụ sáp nhập, thâu tóm
Chính quyền Trump 2.0 có thể thân thiện hơn với các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nhưng có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi mạnh mẽ các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Big Tech.
Các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, quan chức chống độc quyền hàng đầu của Bộ Tư pháp, sẽ do ông Trump lựa chọn nắm quyền.
Cả hai cơ quan này có khả năng sẽ tiếp tục các vụ kiện nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ hoặc dỡ bỏ những trường hợp mà họ có quan điểm khác.
Sự thay đổi lớn nhất có thể nằm ở cách tiếp cận của cơ quan quản lý đối với các vụ sáp nhập. Trong khi chính quyền Trump 1.0 đã thách thức một số giao dịch nổi bật, chẳng hạn như động thái mua lại startup công nghệ tài chính Plaid của Visa, thì nhìn chung họ có cách tiếp cận thân thiện hơn, thường cho phép các giao dịch lớn được tiến hành với các điều kiện nhất định.
Một số công ty lớn như Qualcomm đã trì hoãn việc hoàn tất các giao dịch mua lại đến sau thời điểm bầu cử, với kỳ vọng thuận lợi hơn dưới chính quyền mới.
Bán dẫn và kiểm soát xuất khẩu
Chiến thắng của Trump gây ra sự không chắc chắn đáng kể cho chính sách bán dẫn của Mỹ, khi nước này đã giải ngân hàng chục tỷ USD cho sản xuất chip trong nước, sử dụng các hạn chế về thương mại và đầu tư, để chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong sản xuất linh kiện điện tử quan trọng.
Tổng thống đắc cử chỉ trích Đạo luật Chip năm 2022 - một đạo luật lưỡng đảng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư từ các công ty như Intel và TSMC.
Với quan điểm thuế quan đối với các nhà sản xuất chip nước ngoài sẽ hiệu quả hơn so với trợ cấp trực tiếp cho ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, giới chuyên gia đang lo ngại chính quyền mới có thể tìm cách thay đổi các ưu đãi trong đạo luật này.
Trên mặt trận quốc tế, Trump được dự đoán tiếp tục áp thuế toàn diện đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và có khả năng sẽ tăng thuế đối với các loại chip thế hệ cũ, mà ông Biden đã tăng lên 50%.
Ông cũng có thể thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn tiên tiến, một biện pháp của Biden có nguồn gốc từ chính quyền đầu tiên của Trump.
Mối quan hệ với TSMC cũng là một dấu hỏi khi Trump từng tuyên bố Đài Loan (Trung Quốc) đã "đánh cắp" ngành kinh doanh chất bán dẫn của Mỹ.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, Đài Loan đang nắm hơn 90% sản lượng chip tiên tiến, do đó bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra tại đây có thể gây ra thiệt hại lên tới 10 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Đảo ngược lệnh cấm TikTok?
Trump đã nói rằng, ông phản đối lệnh cấm TikTok, một sự đảo ngược so với lập trường của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên khi ông ký một lệnh hành pháp yêu cầu ứng dụng phổ biến này phải đóng cửa trừ khi chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance thoái vốn.
Tuy nhiên, TikTok đang bị ràng buộc bởi một vụ kiện trước tòa, theo đó nền tảng phải được bán đứt trước hạn cuối ngày 19/1 - một ngày trước lễ nhậm chức của Trump.
Tổng thống đắc cử hiện coi ứng dụng chia sẻ video này là đối thủ cạnh tranh khả thi với Meta, ứng dụng đã chặn truy cập của ông vào các dịch vụ sau vụ bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Theo dữ liệu của Pew Research hồi tháng 9, người Mỹ ít ủng hộ lệnh cấm hơn so với một năm trước, chỉ có 32% ủng hộ, giảm so với mức 50% vào tháng 3 năm 2023.
“Màu sắc” Elon Musk
Trump đã nhận được sự ủng hộ từ những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ, đứng đầu là Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, người đã rót hơn 130 triệu USD cho ban vận động hành lang chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa.
Musk đã phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Pennsylvania ủng hộ ông Trump và sử dụng quyền sở hữu X (trước là Twitter) để khuếch đại thông điệp của đảng Cộng hòa tới hàng trăm triệu cử tri.
Sự gần gũi của Musk với tổng thống đắc cử giúp ông định hình các chính sách ảnh hưởng đến các dự án lớn nhất của mình, bao gồm Tesla Inc. và SpaceX, có khả năng khiến các đối thủ cạnh tranh của ông trong ngành xe điện và vũ trụ gặp bất lợi trong các hợp đồng và sự giám sát của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo ngành có thể thấy sự tái diễn của mối quan hệ căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi ông xung đột với một số giám đốc điều hành công nghệ bao gồm cả người sáng lập Amazon Jeff Bezos và vun đắp mối quan hệ thân thiện với những người khác như CEO Apple Tim Cook.
Kể từ khi rời nhiệm sở, Trump đã phàn nàn rằng, Google của Alphabet đã che giấu tin tốt về ông và cáo buộc Meta Platforms đã cấm ông sử dụng Facebook và Instagram một cách bất công vào năm 2021.
Các tỷ phú công nghệ khác đã tìm ra cách để nâng cao vị thế của họ với ông Trump.
Tổng giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg gọi phản ứng của Trump đối với vụ ám sát ngày 13 tháng 7 là "tuyệt vời", trong khi Facebook đã xóa bỏ nhiều rào cản nhằm chống lại thông tin sai lệch.
Chủ sở hữu tờ Washington Post Bezos đã cắt giảm bài xã luận ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris của tờ báo chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử.
>> Tổng thống Biden lần đầu phát biểu sau chiến thắng của ông Trump 
Chủ tịch Fed: 'Ông Donald Trump không có quyền sa thải tôi' 
Fed hạ lãi suất 0,25% sau chiến thắng của ông Donald Trump