Những ngành nào của Việt Nam sẽ bứt phá dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump?
Với các chính sách kinh tế dự kiến trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, SSI Research nhận định rằng nhiều ngành của Việt Nam sẽ đối mặt với cơ hội lớn.
Theo báo cáo vừa công bố của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump  có khả năng sẽ đẩy mạnh chính sách thương mại bảo hộ, dẫn đến gia tăng căng thẳng thương mại với các quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Chính sách này tạo ra tác động đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là các ngành phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Thay đổi động lực thương mại của Hoa Kỳ và tiềm năng chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam - Nguồn: SSI Research. |
Một số ngành như dệt may, thủy sản và gỗ có cơ hội lớn từ việc thay thế hàng hóa Trung Quốc  tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, các ngành nhạy cảm với biến động tỷ giá hoặc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như hàng không, dược phẩm và thép sẽ chịu tác động tiêu cực từ sự tăng giá của đồng USD và các mức thuế quan cao hơn.
Dệt may: Ngành hưởng lợi từ xung đột thương mại
Ngành dệt may  Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị phần tại Mỹ khi các sản phẩm từ Trung Quốc đối diện mức thuế cao. Theo số liệu từ SSI Research, xuất khẩu dệt may sang Mỹ hiện chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với mức thuế cao tới 60% đối với hàng dệt may Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ nhờ chi phí lao động cạnh tranh và năng lực cung ứng ổn định. Đặc biệt, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã đạt 15%, và có khả năng tăng mạnh nếu các chính sách thương mại này được áp dụng.
Thủy sản: Cơ hội cho cá tra, thách thức cho tôm
Thị trường Mỹ có thể là điểm đến tiềm năng cho cá tra của Việt Nam, đặc biệt là khi sản phẩm này có thể thay thế cá rô phi của Trung Quốc - một đối thủ chính bị ảnh hưởng bởi thuế quan cao. Theo SSI Research, cá tra Việt Nam  hiện là loại cá da trơn được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, vượt qua cá rô phi trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành tôm có thể gặp khó khăn do giá thành cao hơn các đối thủ như Ecuador và Ấn Độ. Nếu các mức thuế áp dụng đồng đều cho các quốc gia xuất khẩu tôm, sản phẩm từ Việt Nam sẽ mất tính cạnh tranh đáng kể.
Công nghiệp gỗ: Triển vọng tích cực từ chính sách thuế quan
Ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chính sách thuế cao của Mỹ đối với Trung Quốc. Việt Nam hiện là một trong những nhà cung cấp gỗ lớn cho thị trường Mỹ và có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm gỗ chế biến và đồ nội thất.
Khu công nghiệp: Đà tăng trưởng chững lại
Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Trump, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng xu hướng này sẽ suy yếu dần do chi phí thuê đất và lao động tại Việt Nam tăng cao, cùng với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước láng giềng như Indonesia.
Logistics: Cơ hội và rủi ro từ biến động thương mại
Ngành logistics có thể nhận được lợi ích ngắn hạn từ nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến của Mỹ trước khi các mức thuế quan mới được thực thi. Theo SSI Research, sự gia tăng về khối lượng vận chuyển trong ngắn hạn sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, về dài hạn, các yếu tố như chuỗi cung ứng kéo dài và giá cước biến động có thể làm giảm lợi nhuận.
Dầu khí: Áp lực từ giá dầu thấp
Theo SSI Research, chính sách tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch của ông Trump cùng với việc giảm căng thẳng tại Trung Đông sẽ làm tăng nguồn cung dầu khí, đẩy giá dầu xuống thấp. Điều này gây áp lực đến các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam, đồng thời có thể giúp giảm lạm phát trong nước.
Các ngành nhạy cảm với biến động tỷ giá
Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như thép, hàng không và dược phẩm sẽ gặp khó khăn khi đồng USD tăng giá. Các doanh nghiệp vay USD lớn sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp đáng kể.
Trong bối cảnh chính sách thương mại và tài chính dự kiến từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Việt Nam có cả cơ hội lẫn thách thức. SSI Research nhấn mạnh rằng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chính sách kinh tế, hỗ trợ đầu tư trong nước và giảm thiểu rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu.