Cổ phiếu dầu khí giảm sâu, cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Hơn một tháng qua, nhiều cổ phiếu dầu khí chịu áp lực điều chỉnh mạnh, giảm trên 10%. Chuyên gia chứng khoán nhận định, diễn biến này đang mở ra cơ hội cho nhà đầu tư ngắn và trung hạn.
Thị trường chứng khoán giao dịch thận trọng từ giữa tháng 10/2024 và đang tạm thời cân bằng khi VN-Index quay lại hỗ trợ 1.200 điểm trong tuần 18-22/11. Vận động của thị trường chịu ảnh hưởng từ tỷ giá USD/VND tăng, khối ngoại bán ròng mạnh cùng những tác động tiềm tàng từ chính sách dự kiến của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cùng chung xu thế với thị trường, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chịu áp lực bán tương đối mạnh. Trong hơn một tháng, nhiều mã trong ngành đã chiết khấu từ 10-15% như: BSR (-14,9%), (PVD (-11,5%), PVS (-13,9%), PLX (-8,6%)...
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm |
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Thiên Việt, nhịp điều chỉnh vừa qua tại các cổ phiếu dầu khí đang dần mở ra cơ hội, không chỉ cho các nhà giao dịch theo hướng trading ngắn hạn mà còn nhà đầu tư gom mua và nắm giữ trung hạn. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân:
(1) Giá dầu Brent đang có tín hiệu xây nền trên vùng hỗ trợ tâm lý 70 USD/thùng trong gần 3 tháng qua, đồng thời giá dầu trong ngắn hạn đang được hỗ trợ nhiều hơn bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Hợp đồng tương lai dầu Brent (kỳ tháng 1/2025) đã có hai phiên tăng liên tiếp với biên độ trên 1%.
Ngoài ra, việc OPEC+ chuyển thời gian tăng sản lượng từ quý IV/2024 sang đầu năm 2025 có thể hỗ trợ cho chiều hướng hồi phục của giá dầu.
Dầu Brent đang xây nền tích lũy trên hỗ trợ 70 USD/thùng |
(2) Vốn đầu tư vào thượng nguồn ngành Dầu khí toàn cầu tiếp tục tiếp tục tăng trưởng, dẫn dắt bởi nhu cầu lớn từ Trung Đông từ 1-2 năm tới.
(3) Khối lượng công việc gia tăng dành cho nhóm doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn tại Việt Nam nhờ việc khởi công các dự án lớn như Lô B – Ô Môn. Dự kiến Lô B – Ô Môn sẽ có FID (quyết định đầu tư cuối cùng) trong quý IV/2024
(4) Lợi nhuận được dự báo tăng trưởng hai con số trong năm 2024 tại nhiều doanh nghiệp trong ngành, ví dụ PVS  (+53% YoY), PVD  (+51% YoY), PLX (+20% YoY)...
(5) Câu chuyện hỗ trợ tại một số doanh nghiệp như khả năng chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR ), tác động tích cực của việc áp dụng Nghị định 80/2023 (sửa đổi) hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp hạ nguồn nói chung và Petrolimex (PLX) nói riêng.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia Chứng khoán Thiên Việt cho rằng, nhà đầu tư trading ngắn hạn (giao dịch với khung thời gian từ T+3 đến T+10) đang có cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận tại các nhịp hồi phục kỹ thuật sau khi các cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên đây là chiến thuật chỉ dành cho nhà đầu tư “quen tay” và ưu tiên mua trong các nhịp giảm giá.
Trong khi đó, nhà đầu tư trung hạn được khuyến nghị nên rải lệnh gom mua tích lũy sẽ phù hợp hơn thay vì giải ngân ngay lập tức với toàn bộ tỷ trọng, điều này xuất phát từ “tính cách” của nhóm cổ phiếu này bên cạnh việc chờ đợi thị trường chứng khoán thực sự xây đáy cứng sau nhịp điều chỉnh vừa qua (các cổ phiếu có thể vẫn còn rung lắc sau nhịp hồi phục kỹ thuật đầu tiên).
Cổ phiếu dầu khí đầu ngành dự kiến tăng mạnh khi Chính phủ mạnh tay dẹp nạn xăng dầu lậu 
Siêu dự án Lô B - Ô Môn có thể mang về 5,8 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)