Cổ tự 1.500 tuổi độc nhất vô nhị treo lơ lửng trên vách núi, lọt top ngôi chùa có kiến trúc bí ẩn nhất thế giới
Mặc dù đã trải qua hơn 1.500 năm, từng phải chịu sự huỷ hoại của thiên tai, ngôi chùa này vẫn đứng vững bên vách núi khiến nhiều người kinh ngạc.
Chùa  Huyền Không hay còn gọi là chùa Treo nằm trên lưng chừng núi Hằng Sơn, thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc . Theo nhiều ghi chép, ngôi chùa hơn 1.500 tuổi này được xây dựng vào năm 491 (thời Bắc Ngụy) bởi tu sĩ Liao Ran với phần lưng dựa vào vách đá lõm và mặt hướng về một thung lũng, nằm ở độ cao 75m so với mặt đất. Từ xa nhìn lại, ngôi chùa  như đang lơ lửng giữa không trung. Suốt hơn 1.500 năm, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng quy mô lớn như ngày nay.
Chùa Treo nổi tiếng không chỉ với tính lịch sử và kiến trúc  xây dựng độc đáo, mà còn nổi tiếng vì sự đặc thù tôn giáo, trong ngôi chùa tồn tại cùng lúc 3 giáo phái là Phật Giáo, Đạo Giáo và Khổng Giáo. Lần cuối cùng, chùa Huyền Không được trùng tu là vào năm 1990. Chùa gồm có 3 tầng, 9 nóc. Trong một cuộc bình chọn của tạp chí Times (Mỹ), Huyền Không tự lọt vào top 10 ngôi chùa có lối kiến trúc  bí ẩn  nhất thế giới.
Điều khiến cho công trình này trở nên đặc biệt đến vậy là do toàn bộ kiến trúc được xây hoàn toàn trên một vách núi cao dựng đứng, không giống với bất cứ ngôi chùa nào khác ở Trung Quốc và cả trên thế giới. Ngoài ra, vị trí đặc biệt này còn để tránh những tiếng ồn như gà gáy, động vật và cả hoạt động của con người. . Có thể khẳng định rằng, đây chính là đỉnh cao trong nghệ thuật xây dựng và kiến trúc thời kỳ cổ đại Trung Hoa.
Chùa Treo có tổng diện tích khoảng 125m2, chiều dài 32m, chia thành 3 phần chính, gồm hơn 40 phòng. Phần phía nam được xây dựng thành 3 tầng, gồm phòng thờ Thuần Nguyên, Tam Quan và Lôi Âm. Phần phía bắc gồm phòng thờ Ngũ Phật, Quan Âm và Tam Giáo. Hai phần nam, bắc được kết nối với nhau bằng cây cầu ván gỗ dài 10m.
Bên trong ngôi chùa có 80 tác phẩm được chạm khắc từ đồng, sắt, đất nung và đá. Trong đó có tượng Đức Phật  Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử và Lão Tử. Các bức tượng bằng đất sét trong phòng thờ Tam Quan ở phía nam là các tác phẩm quý giá từ thời nhà Minh (1368 - 1644).
Cấu trúc của chùa là một sản phẩm tuyệt vời của người xưa khi đã cố ý xây dựng trên cao nhằm chống lại thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Ở đây, mỗi năm có 3 tháng mặt trời chiếu trực tiếp khoảng 2 giờ mỗi ngày. Bởi thế mà nắng sẽ không huỷ hoại được chùa. Một năm có 4 mùa, gió thổi không ngừng, khí hậu khô ráo nên giúp cho kết cấu gỗ của chùa không có dấu hiệu bị mục. Chùa nằm cách xa mặt nước nên cho dù có mưa to, lũ lụt, bão tuyết, thì chùa cũng sẽ không bị nhấn chìm hay ảnh hưởng. Dù phải trải qua nhiều sương gió, thiên tai thì chùa Huyền Không vẫn hiên ngang đứng vững vàng bên vách núi Hằng Sơn linh thiêng.
Phương pháp xây dựng chùa là đục một lộ ngang vách đá, tiếp đó đặt cây xà ngang đâm xuyên qua, sau cùng đặt ván, cột trên xà ngang để tạo khung và mái nhà khác nhau. Nhiều lan can được xây dựng xung quanh các toà nhà  ở ngoài vách đá. Từ đỉnh núi  nhìn xuống, du khách sẽ thấy được một số cọc gỗ lơ lửng nằm lộ thiên ra để bảo vệ các toà nhà. Có một sườn dốc nằm ở bên trong chùa và các con đường lát ván gỗ quanh co cũng được thiết lập dọc theo bề mặt vách đá. Khung xà ngàng lên xuống nhịp nhàng, lan can được kết nối lại với nhau theo 1 mật độ thích hợp để hợp thành 1 khối thống nhất. Nhìn từ chân thung lũng, chùa giống như 1 bức tranh điêu khắc khổng lồ được chạm khắc độc đáo trên vách núi đá sừng sững.
Thực ra, khi chùa được mới được xây xong thì không có các cột chống nào được dùng để nâng đỡ ngôi chùa. Chính điều đó khiến cho nhiều người không dám lên chùa. Sau đó, người cai quản chùa đã bổ sung thêm một vài cây cột gỗ chống để làm cho người tu hành yên tâm hơn. Như vậy, các cột chống này chỉ được sử dụng với mục đích làm an tâm người chiêm bái chứ không có mục đích chống đỡ chùa.
Ngày nay, Chùa Huyền Không là một trong những điểm thu hút khách du lịch  và là di tích lịch sử nổi tiếng ở khu vực Đại Đồng. Để bảo vệ ngôi chùa, số lượng du khách được giới hạn ở mức 80 người trong ngôi đền cùng một lúc. Vì vậy, du khách nên đến thăm nơi này vào sáng sớm để tránh phải chờ đợi lâu, đặc biệt là vào mùa du lịch cao điểm.
Chụp PET/CT có được BHYT thanh toán không? 
Táo đỏ sấy có 'thần thánh' như lời đồn, ai nên hạn chế?