Điểm đến

Cổ tự dưới chân núi chứa kho báu nghìn năm, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Nhật Linh 24/12/2023 09:00

Đây là một địa danh chứa đựng nhiều điều kỳ bí về lịch sử, văn hoá từ cách đây hàng nghìn năm mà ít nơi nào sánh được.

Nằm giữa vùng núi non trùng điệp, chùa Thánh Quang (còn gọi là chùa Nhẫm Dương) - chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam ở phường Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) nằm tựa vào dãy núi cùng tên.

Ngôi chùa ẩn mình giữa bạt ngàn cây cối xanh tươi quanh năm cùng một quần thể hang động kỳ thú hiếm có. Xung quanh ngôi chùa này, người ta đã phát hiện ra hàng chục hang động lớn nhỏ với những cái tên như Thánh Hoá, Tĩnh Niệm, Tối, Bò Lê, Ma, Mạt, Thung Xanh, Chuông, Trống, Luồn…

Quần thể núi non trùng điệp cùng hệ thống hang động nơi đây bao quanh ngôi chùa, chạy dài tựa thế “rồng uốn, voi phục” tiếp nối hài hoà tới tận Mạo Khê, Đông Triều, thông với dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh). Phía trước ngôi chùa có hàng chục núi đá, đồi, mô nhấp nhô.

Chùa Nhẫm Dương

(TyGiaMoi.com) - Chùa Nhẫm Dương

Theo nhiều tư liệu lịch sử, chùa Nhẫm Dương được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ 13), tôn tạo vào thời hậu Lê, Nguyễn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa và hệ thống các hang động xung quanh đã trở thành căn cứ cách mạng, cất giấu vũ khí, lương thực của bộ đội… Ngôi chùa này buộc phải tiêu thổ để phục vụ kháng chiến sau khi bị địch phát hiện.

Năm 1954, nhân dân, phật tử địa phương dựng lại chùa bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1960-1961, hoà thượng Thích Vô Vi về trụ trì đã cùng phật tử, nhân dân xây dựng ngôi Bảo điện tạm thời theo kiểu chữ “Đinh” bằng vật liệu chủ yếu là đá, vôi, mái lợp tre, ngói đỏ.

Năm 1996, chùa Nhẫm Dương xuống cấp nghiêm trọng, ni sư Thích Diệu Mơ đã đứng lên vận động phật tử xa gần phát tâm xây dựng lại trên nền đất cũ.

Hiện chùa có quy mố khá bề thế với kiến trúc nhà chữ Công thuần Việt gồm 5 gian tiền đường, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung. 5 gian tiền đường thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm), thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam) và thiền sư Tông Diễn (đệ nhị tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam). Ngoài ngôi chính điện, trong khuôn viên chùa Nhẫm Dương còn có nhà thờ tổ, vườn tháp, vườn mộ…

Không chỉ được bao bọc bởi hệ thống núi đá, hang động, chùa Nhẫm Dương còn được phủ xanh bởi gần 250 loại thực vật khác nhau. Tại đây vẫn còn nhiều loài thú tự nhiên sinh sống, trong đó đáng chú ý là đàn khỉ lên tới hơn 30 con vẫn đang được ni sư Thích Diệu Mơ chăm sóc, bảo tồn.

Chùa Nhẫm Dương được bao bọc bởi hệ thống núi đá, hang động và bạt ngàn cây cối xanh mát quanh năm

(TyGiaMoi.com) - Chùa Nhẫm Dương được bao bọc bởi hệ thống núi đá, hang động và bạt ngàn cây cối xanh mát quanh năm

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi về chùa Nhẫm Dương đã không khỏi kinh ngạc về những phát hiện khảo cổ học tại đây. Tại nhà thờ tổ ngôi chùa này đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài liên tục suốt thời hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Những hiện vật đó gồm nhiều loại di cốt, hoá thạch của người, động vật, đồ đá thời nguyên thuỷ đến đồ đồng thời Đông Sơn, đồ gốm, tiền cổ… Các nhà khảo cổ học đánh giá chùa Nhẫm Dương là một “kho tàng khảo cổ học”. Tại Việt Nam, rất ít địa điểm khảo cổ học có giá trị đặc biệt như ở ngôi chùa này.

Động Thánh Hoá ở chùa Nhẫm Dương chứa đựng nhiều hoá thạch xương động vật, răng người Việt cổ, tiền cổ

(TyGiaMoi.com) - Động Thánh Hoá ở chùa Nhẫm Dương chứa đựng nhiều hoá thạch xương động vật, răng người Việt cổ, tiền cổ

Chỉ tính riêng tại động Thánh Hoá, trong một thời gian ngắn, các nhà khảo cổ đã phát hiện và nghiên cứu 471 mẫu hoá thạch xương, răng của người và động vật. Dựa trên quần cư động vật, trầm tích và vị trí hang, nhóm nghiên cứu của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh ước đoán niên đại của các hoá thạch ở Nhẫm Dương thuộc hậu kỳ Cánh Tân, có khả năng từ khoảng 50.000 đến 30.000 năm trước.

Các nhà khảo cổ học khai quật, nghiên cứu răng hoá thạch đười ươi và đồ gốm qua các thời kỳ lịch sử tại chùa Nhẫm Dương

(TyGiaMoi.com) - Các nhà khảo cổ học khai quật, nghiên cứu răng hoá thạch đười ươi và đồ gốm qua các thời kỳ lịch sử tại chùa Nhẫm Dương

Ngày 29/10/2003, chùa Thánh Quang được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Ngày 22/12/2016, cùng với quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

>> Ngôi chùa cổ xứ Tây Đô có hàng trăm vòng nhang 'không bao giờ tắt', được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia

Chụp PET/CT có được BHYT thanh toán không?

Táo đỏ sấy có 'thần thánh' như lời đồn, ai nên hạn chế?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/co-tu-duoi-chan-nui-chua-kho-bau-nghin-nam-duoc-cong-nhan-la-di-tich-quoc-gia-dac-biet-d113389.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cổ tự dưới chân núi chứa kho báu nghìn năm, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
    POWERED BY ONECMS & INTECH