Cố vấn Dragon Capital Việt Nam: Khi đã kiếm được 1 tỷ đồng đầu tiên, tỷ thứ 2 hay tỷ thứ 3 sẽ rất khả thi
Cố vấn Dragon Capital Việt Nam chia sẻ tại chương trình The Moneyverse (Vũ Trụ Đồng Tiền) vào ngày 29/9.
Ngày 29/9 vừa qua, tập đầu tiên của chương trình The Moneyverse (Vũ Trụ Đồng Tiền) đã chính thức phát sóng, mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận kiến thức tài chính cá nhân và thử thách bản thân trong những trò chơi thực tế.
Điều đặc biệt là phần thưởng dành cho đội chiến thắng lên tới 1 tỷ đồng, con số mà theo ông Hans Nguyễn - Cố vấn Trưởng của Dragon Capital Việt Nam, không chỉ là một cột mốc quan trọng mà còn là nền tảng cho những thành công tiếp theo.
Với vai trò Ban giám khảo, ông Hans Nguyễn cùng PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM đã mang đến nhiều chia sẻ đáng giá về cách quản lý tài chính.
Tại chương trình, ông Hans có chia sẻ: "“Con số 1 tỷ đồng có giá trị rất đặc biệt vì đây là cột mốc đầu tiên cho các bạn trẻ làm sao để đạt được, khi mình đạt được nó chứng minh rằng mình đã vượt qua một số thử thách. Hiểu về chi tiêu, thu nhập, đầu tư, tích luỹ giúp bạn đạt được cột mốc đầu tiên. Quan trọng nhất là một khi đã có được 1 tỷ, tỷ thứ 2 hay tỷ thứ 3 sẽ rất khả thi”.
Ông Hans Nguyễn - Cố vấn Trưởng Dragon Capital Việt Nam |
Với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng như Giám đốc đầu tư tại Zurich Insurance Group, quản lý danh mục trên 5 tỷ USD, ông Hans đã đem lại góc nhìn sắc bén về quản lý tài chính cho giới trẻ.
Ông từng giữ chức Cố vấn tài chính mảng Private Banking & Wealth Management tại các ngân hàng lớn như UBS AG ở các khu vực Zurich, New York, Luxembourg. Tại Việt Nam, ông đã có hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý các quỹ đầu tư cổ phiếu, bất động sản và danh mục tài sản cho các gia đình thượng lưu.
Trong tập đầu tiên của The Moneyverse, chủ đề "Khởi Nguyên Thu Nhập" đã tạo nên những cuộc tranh luận đầy căng thẳng giữa các đội thi. Các thí sinh không chỉ phải hiểu đúng từ khóa mà còn phải diễn giải sao cho dễ hiểu nhất. Đội nào thành công trong phần giải nghĩa sẽ có lợi thế bước vào phần thử thách thực tế ảo VR. Với từ khóa GDP, các đội đã có những giây phút hồi hộp và sôi nổi khi tranh luận.
Bước sang vòng thứ hai, thí sinh được tham gia vào phần đầu tư giả lập. Mỗi đội nhận được một bối cảnh kinh tế giả định, đây là cơ sở để họ phân bổ danh mục đầu tư. Ví dụ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân quyết định phân bổ tài sản với tỷ lệ: 35% vào chứng chỉ quỹ, 25% vào đất đô thị, và 5% vào tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, Học viện Chính sách và Phát triển đã lựa chọn 30% cổ phiếu thực phẩm, đồ uống, và 25% vào kim loại quý.
Kết thúc vòng thi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thuyết phục được ban giám khảo để nhận được mức vốn góp cao nhất. Học viện Chính sách và Phát triển xếp thứ hai, trong khi Trường Đại học Ngoại thương đứng ở vị trí thứ ba.
Vòng thi cuối cùng, mang tên Hố Đen Vũ Trụ, đã thử thách các đội về sự nhanh nhạy và khả năng giải quyết vấn đề. Dù khởi đầu chậm, Trúc Phương – đại diện của Học viện Chính sách và Phát triển, đã xuất sắc giúp đội của mình lội ngược dòng và giành chiến thắng, vượt qua Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để trở thành nhà vô địch trong tập đầu tiên.
>> Dragon Capital xả hơn 4 triệu cổ phiếu bất động sản sàn HoSE